Chính phủ thường xuyên đối thoại và khống chế chỉ số tín dụng phù hợp tăng trưởng cho doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Chiều 30/8, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin với báo giới tình hình cũng như những đánh giá về kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018. Các vấn đề về kinh tế - pháp luật, đầu tư công, chỉ số tín dụng, môi trường kinh doanh thu hút nhiều sự quan tâm hơn cả.

Tại buổi họp báo, đại diện một số bộ ngành đã giải đáp câu hỏi về các vấn đề thu hút sự chú ý người dân, doanh nghiệp, về nhiều mặt, nhiều vụ việc diễn ra gần đây.

Giải đáp về chỉ số tín dụng Nhà nước khống chế cho năm 2018 không vượt quá 17% dù cho nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất nhiều, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu rõ: “Trước hết về chỉ số tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để  thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì vậy để có được chỉ số tín dụng hợp lý đối với nền kinh tế là yêu cầu rất cao. Phải thực hiện đồng thời. Thứ nhất là tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Thứ hai phải thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đến thời điểm hiện nay cũng đã hết 8 tháng và tăng trưởng nền kinh tế nhìn chung rất khả quan… Việc điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng, đặt ra ngay từ đầu năm là khoảng 17%, thì cũng có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy theo nhu cầu thực tế của nền kinh tế… Với tính toán hiện nay, ta thấy 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như bảo đảm được kiểm soát lạm phát. Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này.”

Xuất nhập khẩu cũng là một trong những lĩnh vực được chú trọng trên nhiều góc độ. Những tồn tại được đề cập với 20 vấn đề, trong đó có hiện tượng các cán bộ hải quan nhận tiền bồi dưỡng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã giải đáp cho vấn đề này như sau: Bộ Tài chính có chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát 20 vấn đề… Trong quá trình thực hiện, trước tiên Bộ Tài chính chỉ đạo ngành hải quan hoàn thiện cơ chế chính sách, liên tục thực hiện hiện đại hoá hải quan, đưa CNTT vào ứng dụng, giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan. Thứ hai là giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hải quan thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, có vướng mắc khó khăn, kịp thời tháo gỡ ghi nhận giải quyết… Bộ đã chỉ đạo Hải quan tổ chức mời các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI đối thoại phản ánh thái độ tiêu cực nhũng nhiễu cũng như các vấn đề liên quan để ghi nhận, xem xét một cách cầu thị.

Chúng tôi đã chỉ đạo hải quan, thuế lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh để kịp thời xử lý, tăng cường kỷ luật ngành, tăng thanh kiểm tra nội bộ, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm minh.

Trong quá trình vừa qua, việc cải cách hiện đại hoá ngành hải quan được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, nơi này nơi khác có thái độ hay còn các vụ việc nhũng nhiễu, chúng tôi ghi nhận lắng nghe, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ để ngày càng phục vụ tốt hơn. 

Trước đó, cũng trong phiên họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tóm tắt kết quả về các mặt, trong đó có cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh: Trong tổng số 6.213 điều kiện, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện. Đến nay đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện (đạt 31,6% so với dự kiến) của các ngành: Công thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, VHTT&DL...

Mong rằng với những kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm 2018, từ các chính sách, giải pháp của Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trên các mặt kinh tế, chính sách, xã hội, cũng như nâng cao đời sống tinh thần, hướng tới hoàn thành nhiệm vụ mọi mặt, đặc biệt là sản xuất phát triển kinh tế năm 2018 theo chỉ tiêu Chính phủ đề ra.

PV