Chật vật xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ

22:28 14/05/2023

Những tháng vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp xi măng báo lỗ lớn bởi thị trường chưa có tín hiệu phục hồi và dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn bởi nhiều yếu tố.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), xuất khẩu xi măng, clinker quý I/2023 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lạm phát từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khiến cả sản lượng lẫn trị giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam đều sụt giảm kỷ lục.

Sản lượng xuất khẩu trong quý I đạt 8,1 triệu tấn với kim ngạch 345 triệu USD, giảm 25% (tương ứng mức giảm trên 100 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, VNCA nhận định, xuất khẩu xi măng và clinker tiếp tục khó khăn khi nhu cầu của thị trường chính là Trung Quốc vẫn “bất động”. Tuy Trung Quốc có mở cửa trở lại, nhưng chưa thực sự khởi sắc. Trong khi, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines mới đây cũng đã công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam.

Chật vật xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ
Chật vật xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ.

Ngoài ra, việc tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% từ ngày 01/01/2023 cũng đang khiến doanh nghiệp điêu đứng vì giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế.

Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, mức tiêu thụ xuống thấp khi thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng khiến thị trường xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu...

Những tháng vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp xi măng báo lỗ lớn bởi thị trường chưa có tín hiệu phục hồi. 

Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán BTS) cũng báo cáo doanh thu quý đầu năm nay còn 652,8 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí lãi vay trong kỳ tăng lên gần gấp đôi và kết quả công ty bị thua lỗ hơn 15 tỉ đồng trong khi quý 1/2022 có lãi gần 18 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này giải thích thị trường tiếp tục chứng kiến dư cung xi măng ở mức cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu đối diện hàng loạt yếu tố không thuận lợi khiến sản lượng tiêu thụ của công ty sụt giảm mạnh.

Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã Ck: BCC) ghi nhận, doanh thu thuần đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng giảm 335 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế quý I giảm 156% (tương ứng 136 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế âm 48,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 68,6 tỷ đồng. 

Hiện cả nước có trên 103 dây chuyền sản xuất xi măng, 63 nhà máy tổng công suất trên 107 triệu tấn/năm. Con số này còn tiếp tục tăng khi nhiều dự án đang được đầu tư và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 123 triệu tấn/năm.

P.V (t/h)