CEO Baidu cảnh báo không nên vội vàng trong việc phát triển mô hình AI

14:57 17/11/2023

Theo ông Robin Li, việc các công ty AI nhỏ hơn bắt kịp những tên tuổi lớn là điều "không thể thực hiện được và cũng không đem lại kết quả cuối cùng".

CEO Baidu Robin Li. Ảnh: Reuters
CEO Baidu Robin Li. Ảnh: Reuters.

Giám đốc điều hành gã khổng lồ tìm kiếm Baidu mới đây đã cảnh báo việc vội vàng phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn ở Trung Quốc có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên rất lớn, đồng thời cho rằng những công ty cần tập trung nỗ lực phát triển ứng dụng thực tế.

Robin Li (Lý Ngạn Hoành), Giám đốc điều hành Baidu - một trong những công ty AI hàng đầu Trung Quốc, đã đưa ra nhận xét của mình tại diễn đàn công nghiệp ở thành phố Thâm Quyến trong bối cảnh thị trường ngày càng lo lắng về khả năng xảy ra sự rung chuyển khi các công ty phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn vẫn chưa tìm được mô hình kinh doanh khả thi.

"Trong kỷ nguyên AI, thứ chúng ta thực sự cần là các ứng dụng gốc cho AI ở quy mô hàng triệu", Robin Li nói.

Theo ông, các mô hình AI hiện có hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ điểm dữ liệu, khiến các công ty đứng sau phải huy động nhiều nguồn lực để phát triển và vận hành. "Bản thân mỗi mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) là một nền tảng, tương tự một hệ điều hành. Chúng ta có thể có nhiều hệ điều hành, nhưng cuối cùng các nhà phát triển cũng chỉ cần dựa vào một vài trong số đó để tạo ứng dụng", ông nói.

Nhiều công ty ở Mỹ, Trung Quốc và các nước khác đang chạy đua xây dựng LLM, trong đó có Baidu. Tháng trước, công ty ra mắt mô hình mới nhất có tên Ernie 4.0 tích hợp vào chatbot Ernie Bot và tuyên bố có thể cạnh tranh với GPT-4 của OpenAI. Ngoài Baidu, ở Trung Quốc còn có Alibaba với mô hình Qwen-7B, iFlyTek với SparkDesk hay SenseTime với SenseNova. Về phía Mỹ, bên cạnh GPT-4 của OpenAI còn có PaLM của Google, Llama 2 của Meta hay Titan của Amazon.

Theo ông Li, việc các công ty AI nhỏ hơn bắt kịp những tên tuổi lớn về LLM là điều "không thể thực hiện được và cũng không đem lại kết quả cuối cùng". Ông cho rằng việc phát triển AI cũng nên theo bước chân của lĩnh vực điện thoại di động: sau khi smartphone trở nên phổ biến và giá cả phải chăng, các công ty bắt đầu giới thiệu hàng triệu ứng dụng mang đến lợi ích cho con người.

"Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã có mô hình LLM lớn, nhưng chưa chứng kiến sự xuất hiện của những ứng dụng gốc tốt nhất cho AI", ông nói.

Bài thuyết trình của CEO Baidu cũng chỉ ra các mô hình LLM của Trung Quốc không có khả năng nổi bật do thiếu quy mô tham số và bộ dữ liệu đào tạo.

Khả năng của LLM phụ thuộc một phần vào số lượng tham số. Chẳng hạn, ChatGPT của OpenAI được đào tạo trên 175 tỷ thông số, còn hầu hết LLM Trung Quốc dùng từ 6 đến 13 tỷ thông số.

Theo ông Li, chính phủ nên hỗ trợ khía cạnh nhu cầu và động viên doanh nghiệp triển khai mô hình lớn để phát triển ứng dụng AI mới.

Baidu là hãng công nghệ lớn đầu tiên ở Trung Quốc ra mắt chatbot AI riêng – Ernie Bot – vào tháng 3. Công chúng bắt đầu sử dụng Ernie Bot từ tháng 8 sau khi được chính phủ phê duyệt.

Hiện tại, chatbot có khoảng 45 triệu người dùng và 54.000 nhà phát triển. Tháng trước, Baidu công bố Ernie Bot 4.0 và tuyên bố nó mạnh ngang ngửa GPT-4. Công ty cũng bắt đầu kiếm tiền từ chatbot với gói thuê bao 59,9 NDT/tháng.

Hà Anh (t/h)

Tags: