Cần gỡ nút thắt để thủy sản Việt Nam thuận lợi xuất khẩu

14:52 14/05/2024

Các doanh nghiệp kỳ vọng vấn đề tồn kho và dư cung ở các thị trường quan trọng sẽ giảm dần, nếu nút thắt về nguyên liệu hải sản nhập khẩu được tháo gỡ thì hoạt động xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ thuận lợi hơn.

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra trong tháng 4/2024 đã tăng 13% so với tháng trước, đạt mức 168 triệu USD. Đây là một dấu hiệu tích cực sau khi xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm trong các tháng 2 và 3. Tính tổng 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 579 triệu USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Mỹ đã có những dấu hiệu khả quan hơn sau khi các doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ vào tháng 3 và Triển lãm thủy sản toàn cầu tại Tây Ban Nha cuối tháng 4. Ngoài mặt hàng chủ lực là cá tra phi lê đông lạnh, các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cường giới thiệu các sản phẩm cá tra chế biến sâu và các sản phẩm giá trị gia tăng, thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà nhập khẩu và khách tham quan.

Cần gỡ nút thắt để thủy sản Việt Nam thuận lợi xuất khẩu
Cần gỡ nút thắt để thủy sản Việt Nam thuận lợi xuất khẩu.

Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 4 đã tăng 28%, đạt trên 86 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong 4 tháng đầu năm lên 301 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các ngành hàng khác, cá ngừ có mức tăng trưởng ổn định hơn trong 4 tháng qua, ngoại trừ tháng 2 giảm 11% do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp cá ngừ, sự tăng trở lại của nhập khẩu tại các thị trường chủ yếu là do giảm tồn kho chứ không phải vì thị trường tốt hơn hay giá xuất khẩu cao hơn.

Ngược lại, xuất khẩu mực và bạch tuộc giảm 14% trong tháng 4, trong khi xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ lại tăng 14%. Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh số của mực và bạch tuộc đạt 182 triệu USD, giảm 4%, và nhuyễn thể có vỏ đạt 43 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Lê Hằng cũng chỉ ra rằng, các ngành chế biến xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc và các loại cá biển khác đều đang gặp khó khăn chung do thiếu nguyên liệu. Sản lượng khai thác hải sản trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu chế biến, buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu thêm nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đang làm tình hình thiếu nguyên liệu trở nên tồi tệ hơn.

Cụ thể, Nghị định 37/2024/NĐ-CP vừa ban hành tháng 4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, yêu cầu đơn vị nhập khẩu thông báo, khai báo hồ sơ trước khi tàu cập cảng 72 giờ đối với tàu nước ngoài và 48 giờ đối với tàu container là không khả thi.

Nghị định 37/2024/NĐ-CP cũng quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Quy định mới với khái niệm không rõ ràng về “trộn lẫn nguyên liệu” gây hoang mang cho doanh nghiệp và không hợp lý với thực tế chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp hải sản.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp kỳ vọng vấn đề tồn kho và dư cung ở các thị trường quan trọng sẽ giảm dần, nếu nút thắt về nguyên liệu hải sản nhập khẩu được tháo gỡ thì hoạt động xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ thuận lợi hơn.

P.V (t/h)