Cần các cơ chế khuyến khích cho việc đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà

19:10 11/04/2024

Nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đóng vai trò quan trọng trong góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Vì vậy, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.


Nguồn điện mặt trời mái nhà đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng

Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu. Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) hướng tới Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 11/4, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc cung ứng điện cho doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất. Nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đóng vai trò quan trọng trong góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Đây là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện Quy hoạch điện VIII. Vì vậy, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán.

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn.

Tại diễn đàn, ông Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng chia sẻ: "Những lợi ích thiết thực do điện mặt trời mái nhà đem lại bao gồm lợi ích cho người dân (Chủ đầu tư) và cho cả hệ thống điện quốc gia vốn đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp do nhiều nguồn điện dự kiến xây mới không được ủng hộ của công chúng nên chưa khởi công và nhiều nguồn đang xây dựng nhưng chậm tiến độ theo quy hoạch. ĐMTMN giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng cho người dân do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm buổi trưa hoặc giảm giá mua điện bậc cao.

Theo ông Kỳ, về lợi ích cho đất nước và hệ thống điện quốc gia, ĐMTMN bao gồm 4 lợi ích chính. Thứ nhất, tận dụng tối đa tài nguyên bức xạ mặt trời, với quy mô phân tán, trực tiếp tại hộ tiêu thụ nên giảm bớt được phụ tải đỉnh của hệ thống điện tại các giờ cao điểm buổi trưa, do đó giảm áp lực huy động nguồn cung cấp cho hệ thống điện vào giờ cao điểm này, phát huy hết hiệu suất của nguồn phát vào giờ thấp điểm, giảm áp lực cho cơ quan điều độ hệ thống điện, tăng khả năng thu hồi vốn đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội. Thứ hai, giảm quá tải cho đường dây truyền tải trong giờ cao điểm buổi trưa, giảm bớt áp lực đầu tư nâng cấp đường dây truyền tải. Thứ ba, góp phần bảo vệ môi trường. Thứ tư, giảm áp lực trong Quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương.

"Các chủ đầu tư phát triển ĐMTMN chủ yếu lắp đặt trên mái nhà trang trại chăn nuôi, trồng trọt chiếm 59,73% công suất đặt, tiếp theo đến lắp đặt trên mái nhà kho, nhà xưởng khu công nghiệp chiếm 23,19%, còn lại lắp đặt trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng (văn phòng công ty, đơn vị hành chính sự nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, cơ sở tôn giáo, bệnh viện, trường học, công trình hạ tầng kỹ thuật) chỉ chiếm 17,07%. Hiện, tổng công suất đặt của các hệ thống ĐMTMN trong cả nước lớn hơn 500kWp chiếm tỷ lệ khoảng 76% (chủ yếu tập trung ở miền Nam và miền Trung) trong khi đó đối với các hệ thống < 50kWp chiếm 10,96%. Về phân bố công suất đặt theo khu vực: các hệ thống ĐMTMN đều tập trung ở tại các khu vực miền Nam (57,94%) và miền Trung (31,96%), thành phố Hồ Chí Minh đạt 3,69%; tỷ lệ công suất lắp đặt ĐMTMN tại miền Bắc chỉ đạt 6,07%, Hà Nội đạt 0,35%", ông Kỳ thông tin thêm. 

Cũng tại sự kiên, ông  Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, hiện tại khoảng 30 -50% doanh nghiệp tùy theo vùng, miền đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Nhiều dự án đã dừng lại từ khi Quyết định 13/2020 không còn phù hợp từ 01/01/2021.

Với diện tích mái nhà xưởng lớn, nhất là khu công nghiệp, ông Cẩm cho rằng, thuận lợi cho lắp đặt. Tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn cung năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh về giá và đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” sản phẩm.

Thách thức trong quá trình phát triển

Tuy nhiều lợi ích mang lại, nguồn điện này cũng có những thách thức trong phát triển, đó là nếu nguồn điện này xâm nhập nhiều vào hệ thống, cần phải có dự phòng lớn để đảm bảo ổn định. Vì vậy, định hướng phát triển điện mặt trời mái nhà sắp tới theo Quy hoạch điện 8 sẽ theo tính chất “tự sản tự tiêu”, nguồn nối lưới chỉ có quy mô công suất 2.600 MW. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế khuyến khích. Trong đó, dự kiến sẽ có hai loại hình phát triển. Bao gồm nguồn điện mặt trời có nối lưới điện quốc gia, trước hết ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng. Loại thứ hai là dự án điện mặt trời mái nhà không nối lưới vào hệ thống.

““EVN đang rất cần các nguồn điện này để góp phần đảm bảo cung ứng điện. Vì các nguồn điện truyền thống đầu tư cần thời gian, trong khi điện mặt trời mái nhà phát triển nhanh, huy động được nguồn lực xã hội, lại đáp ứng yêu cầu năng lượng xanh” - ông Trần Viết Nguyên - Phó ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trương Văn Cẩm nhận định: "Một khó khăn nữa là đã có một thời gian Thủ tướng có kí một quyết định 13/2020 về phát triển điện mặt trời áp mái và có đưa ra giá hỗ trợ, nhưng bắt đầu từ 1/1/2021 thì quyết định này nó không phù hợp nữa, các doanh nghiệp không được áp đặt hỗ trợ nữa. Đó là điều doanh nghiệp đang rất lúng túng và từ đó đến nay đang tạo ra một khoảng trống pháp lý để cho các doanh nghiệp yên tâm triển khai vấn đề đó. Tôi cho rằng, cái khó khăn là quy định chưa được cụ thể, chưa rõ ràng và chưa đầy đủ cho nên nhà nước cần phải tập trung vào ban hành những quy định phù hợp thực tế.

"Ngoài ra, hiện nay nhà nước đang ưu tiên điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu, có nghĩa anh chỉ sản xuất ra và tự anh tiêu thụ thôi, và anh bán cho người khác không được. Tôi nghĩ rằng trong quy định cho đến nay mới chỉ đưa ra là tự sản tự tiêu ở hộ gia đình thôi, chưa nói gì đến doanh nghiệp hay khu công nghiệp. Thực chất là bây giờ, doanh nghiệp hay khu công nghiệp mới là những đối tượng cần thiết trong việc áp dụng điện mặt trời áp mới để xanh hoá sản phẩm của họ theo yêu cầu nhãn hàng. Có rất nhiều nhãn hàng như Adidas, H&M,… họ yêu cầu doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của họ phải đảm bảo đến năm 2030, hay thậm chí đến năm 2050 phải sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Dĩ nhiên mỗi doanh nghiệp có điều kiện khác nhau, họ phải cân đối giữa lợi ích và chi phí chứ không thể làm bằng mọi giá được. Chính vì vậy, tuỳ theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp mà sử dụng 1 loại điện cho phù hợp", ông Cẩm nhận định.

Tại diễn đàn, các diễn giả đều có chung quan điểm rằng, điện mặt trời áp mái là nguồn năng lượng tái tạo nhưng lại rất đặc thù, dựa hoàn toàn vào thời tiết. Những vùng có tỷ lệ thời gian nắng nóng cao trong năm thì rất thuận lợi trong việc lắp đặt, nhưng như khu vực miền Bắc thì thường sẽ khó khăn hơn, như vậy điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư của các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra, một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp lưỡng lự do vẫn chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để khuyến khích, thúc đẩy điện mặt trời mái nhà nói chung.  Bên cạnh đó, những rào cản về thủ tục, quy trình xin giấy phép đầu tư…, cơ chế chính sách trong việc hướng dẫn trình tự thủ tục chưa rõ, chỉ đưa ra quy định chung chung...

Tương tự, bà Trần Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ cho biết, nhà đầu tư rất quan tâm các khu công nghiệp có năng lượng tái tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tuy vậy, chính sách hiện nay lại chưa rõ ràng nên việc lắp đặt hệ thống này gặp khó khăn. 

Giải pháp đẩy mạnh việc sử dụng điện mặt trời mái nhà

Tại diễn đàn, bàn về các pháp cần có, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, rất cần các cơ quan đưa ra những quy định dưới Luật để giải thích rất rõ doanh nghiệp mới triển khai được. Ví dụ như định nghĩa xác định về “tự sản tự tiêu” trong khu công nghiệp, chủ thể trong các khu công nghiệp để sử dụng điện mặt trời áp má…

Bên cạnh đó là vấn đề xử lý các tấm pin, đây là cũng vấn đề xử lý rác thải, làm sao tái chế được để tránh là gánh nặng cho môi trường. Do đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, Nhà nước sớm ban hành chính sách tổng thể và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, lắp đặt, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp, khu công nghiệp thống nhất trong cả nước. Sớm có quy định cụ thể cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện mái nhà trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Sớm ban hành chính sách thay thế cho cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Ví dụ trong KCN có cơ chế cho doanh nghiệp trong cùng KCN mua bán điện…

Để phát triển việc sử dụng điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp để khai thác tối đa lợi ích mà nguồn năng lượng này mang lại, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết thêm, cần chính sách rõ ràng cho sản lượng và công suất lắp đặt. Sớm ban hành văn bản pháp luật liên quan hoặc hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy…. Việc quản lý cũng cần phân cấp cho các cơ quan chuyên môn địa phương phối hợp thực hiện trình tự, thủ tục đối với việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà. Đối với các doanh nghiệp, cần thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các ngân hàng trong việc tìm kiếm nguồn vốn, áp dụng các cơ chế khuyến khích và ưu đãi thuế cho việc đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà cũng như việc xây dựng và vận hành hạ tầng lưới điện thông minh, linh hoạt và an toàn để đảm bảo sự liên kết giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần khu công nghiệp Gilimex
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần khu công nghiệp Gilimex.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần khu công nghiệp Gilimex chia sẻ: "Là một chủ đầu tư khu công nghiệp thế hệ mới, chúng tôi nhận thức được rằng xu hướng phát triển xanh sẽ là xu hướng mới của các khu công nghiệp trong thời gian tới. Chính vì vậy, định hướng của chúng tôi ngay từ khi mới bắt đầu phát triển chuỗi khu công nghiệp trên cả nước sẽ định hướng ngay từ đầu việc có thể lắp đặt các hệ thống điện năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, tăng diện tích phủ xanh trên toàn khu công nghiệp để đảm bảo được nhiều yếu tố. Thứ nhất là tăng tính cạnh tranh cho các khu công nghiệp, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất trong khu công nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường thế giới. Thứ hai là để chủ động nguồn năng lượng trong khu công nghiệp, tránh tình trạng thiếu điện".

"Là chủ đầu tư khu công nghiệp thế hệ mới, chúng tôi vừa phát triển khu công nghiệp trong vài năm trở lại đây, khu công nghiệp đầu tay của chúng tôi cũng vừa mới bắt đầu bán hàng vào năm 2022, cho nên đến nay, tỷ lệ lắp đầy cũng đang ở mức bắt đầu. Chính vì vậy, chúng tôi đang trong giai đoạn chờ những cơ chế pháp lý tháo gỡ được từ cơ quan nhà nước để từ đó tìm kiếm những đối tác đồng hành cùng để phát triển các hệ thống về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh trong khu công nghiệp của chúng tôi", bà Hằng bộc bạch. 

Bảo Trinh