Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ)

06:59 21/07/2023

Huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cụm công nghiệp Sóc Đăng - huyện Đoan Hùng
Cụm công nghiệp Sóc Đăng - huyện Đoan Hùng.

Huyện Đoan Hùng có lợi thế là cửa ngõ giao lưu giữa trung tâm của khu vực miền núi phía Bắc với Đồng bằng sông Hồng. Huyện đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tập trung phát huy hiệu quả những tiềm năng lợi thế của huyện để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xây dựng.

Ba năm qua, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của huyện đạt trên 6.100 tỉ đồng, tăng bình quân 12,5%/năm và tăng 1,48 lần so với năm 2020, trong đó tổng vốn huy động để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt đạt trên 3.500 tỉ đồng.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển khả quan. Nổi bật là hệ thống các công trình giao thông trên địa bàn được quan tâm đầu tư, điển hình như đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến đường Âu Cơ kéo dài; đường từ cầu Kim Xuyên đến quốc lộ 2 và đường Hồ Chí Minh; đầu tư cải tạo nâng cấp các tuyến ĐT.319, ĐT.322, ĐT.323, ĐT.323I.

Thời gian qua, lĩnh vực sản xuất CN-TTCN của Đoan Hùng có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô, số lượng các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động, sản xuất - kinh doanh có bước phục hồi sau dịch bệnh; các doanh nghiệp chủ động đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm gia tăng khả năng cạnh tranh, kết nối và mở rộng thị trường.

Một cơ sở chế biến gỗ dăm ở huyện Đoan Hùng
Một cơ sở chế biến gỗ dăm ở huyện Đoan Hùng.

Toàn huyện có 1.592 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực CN-TTCN, trong đó 83 doanh nghiệp, 8 HTX và trên 1.500 hộ kinh doanh cá thể với các ngành nghề: Chế biến thực phẩm, xẻ gỗ, bóc gỗ, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sửa chữa cơ khí máy móc...

Đặc biệt, huyện có 12 doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, châu Á và châu Mỹ, doanh thu xuất khẩu năm 2022 là 968,8 tỉ đồng tăng 31,6% so với năm 2020; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giầy da, các sản phẩm chế biến từ gỗ, may mặc, viên nén gỗ, bao bì.

Ông Nguyễn Đức Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết: Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, huyện đã tập trung thực hiện khâu đột phá: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển, trọng tâm là phát triển hạ tầng then chốt, trong đó giải pháp quan trọng được tập trung đó là công khai, minh bạch thủ tục hành chính và gắn với trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị. Chú trọng đầu tư xây dựng chính quyền điện tử gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển hạ tầng và các ứng dụng dùng chung trong cơ quan nhà nước.

Thời gian tới, huyện Đoan Hùng tiếp tục tập trung tranh thủ thời cơ, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững; lấy phát triển công nghiệp và dịch vụ làm động lực tăng trưởng kinh tế; tiếp tục tập trung thực hiện khâu đột phá Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút nguồn lực đầu tư.

Quốc Huy