Các tỉnh phía Nam đang ứ đọng rất nhiều nông sản, giá giảm mạnh

16:00 15/09/2021

Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Đồng Nai đang dư 200.000 gà lông trắng, 80.000 vịt, 6.000 dê, thủy sản 1.000 tấn. Đắk Lắk có 12.000 tấn bơ booth sắp thu hoạch, còn khoảng 30.000 tấn sầu riêng. Thanh long Bình Thuận hiện chỉ còn 2.000 - 6.000 đồng/kg, đổ bỏ đầy đồng.

Dù nhiều vướng mắc về vận chuyển và lưu thông hàng hóa đã được tháo gỡ nhưng nhiều nông sản ở các địa phương vẫn khó tiêu thụ, nguy cơ dồn ứ vì sức mua giảm thấp, nhiều kênh phân phối bị gián đoạn. Đại diện Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết giá thanh long hiện chỉ còn 2.000 - 6.000 đồng/kg, loại đẹp có thể hơn 10.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán nên nhiều nông dân đổ bỏ trên đồng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết hiện nay khó khăn nhất vẫn là tiêu thụ gà, ngoài ra nhu cầu về trứng cũng giảm. Hiện mỗi ngày Bình Dương tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút. Dưa lưới, chuối, chanh không hạt và các sản phẩm rau ăn lá cũng đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Tại Đồng Nai, phó giám đốc Sở NN&PTNT Trần Lâm Sinh cho hay hiện tỉnh dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam quýt, 800 tấn củ đậu. Rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn. Với sản phẩm chăn nuôi, Đồng Nai dư tới 200.000 con gà lông trắng, 80.000 con vịt, 6.000 con dê, 300.000 con chim cút. Riêng thủy sản dư khoảng 1.000 tấn. 

Các tỉnh phía Nam đang ứ đọng rất nhiều nông sản, giá giảm mạnh
Các tỉnh phía Nam đang ứ đọng rất nhiều nông sản, giá giảm mạnh. (Ảnh: PV)

Ông Đoàn Ngọc Có - phó giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai - cho hay toàn tỉnh có khoảng 19.000ha rau đã thu hoạch nhưng giá bán giảm 20-30% còn sản lượng tiêu thụ giảm 1/3. Hiện nay Gia Lai còn khoảng 1.500ha rau với sản lượng khoảng 25.000 tấn tiếp tục thu hoạch, khó nhất là rau ngót còn 700 tấn, dù đã có nhiều chương trình kết nối cung cầu. Đặc biệt, còn có hơn 7.500ha trái cây chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch rộ, khoai lang với diện tích hơn 1.000ha cũng khó bán.

Đắk Lắk cũng lo khi ông Vũ Đức Côn - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này - thông tin có hơn 12.000 tấn bơ booth sắp thu hoạch và còn khoảng 30.000 tấn sầu riêng cuối vụ.

Theo Bộ NN&PTNT, với lúa gạo, ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết khoảng 70% lượng nông sản, thủy hải sản của địa phương được tiêu thụ qua chợ đầu mối. Do đó, khi TP.HCM ngưng các chợ đầu mối, nhiều thương lái ở tỉnh cũng ngưng hoạt động. 

Ông Đinh Minh Hiệp - giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM - cho biết TP sẽ tiến tới mở cửa chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Ngoài ra trong thời gian qua, thương mại điện tử đã được phát triển mạnh, các hoạt động theo chuỗi cung ứng nông sản và giao thông vận tải, nhất là cung ứng lương thực thực phẩm cho các đơn vị sản xuất, cũng được ưu tiên.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, vai trò của hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn là rất quan trọng trong cung ứng thực phẩm cho người dân TP.HCM và tiêu thụ nông sản cho các địa phương khu vực phía Nam.

Nhiều đầu mối cung ứng tại các tỉnh có dấu hiệu "đứt gãy", do đó cần đẩy nhanh tốc độ giao nhận hàng. Đề nghị chợ Bình Điền ngay tuần tới phải có buổi kết nối theo hình thức họp trực tuyến giữa hợp tác xã ở các tỉnh. 

"Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT sẽ tham gia hỗ trợ, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Bộ đang có dự án về nâng cao chất lượng nông sản với sự hỗ trợ của Canada. Nếu chợ xây dựng được chuỗi liên kết tốt, chúng tôi sẽ thí điểm mô hình này tại Bình Điền" - ông Nam cho hay.

Theo ông Trần Minh Hải - giám đốc Trung tâm kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II), Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh chương trình combo nông sản 10kg như một kênh tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng như cung cấp thực phẩm cho TP.

Hiện mỗi ngày doanh thu đặt hàng từ gói combo là 1 - 1,3 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ mới giao được 20-30% gói combo cho các đơn vị do khó khăn về đi lại. Sang giai đoạn 2, Tổ công tác 970 sẽ mở rộng, đưa số liệu trực tiếp từ nhà cung cấp đến các điểm đặt hàng để hai bên tự thương lượng điểm giao hàng.

ĐT