Các cơ sở giáo dục, y tế tại Phú Thọ tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt

12:10 31/05/2022

Được coi là lĩnh vực ưu tiên “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, những năm qua công tác chuyển đổi số trong các lĩnh vực Giáo dục và Y tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó góp phần đổi mới phương thức quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả vận hành và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Hệ thống phòng học thông minh của Trường Tiểu học Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học
Hệ thống phòng học thông minh của Trường Tiểu học Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học. 

Được xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ lớn có tính đột phá để tạo ra bước tiến quan trọng, ngành GD&ĐT Phú Thọ đã tập trung xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, giảng dạy và học tập.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ- Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 880 cơ sở giáo dục, gần 380.000 học sinh, khoảng 10.100 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhờ ứng dụng triệt để công nghệ số, nền tảng số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập nên trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT vẫn tổ chức có hiệu quả các hình thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và hoàn thành các nội dung kế hoạch năm học đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Các cơ sở giáo dục đã lựa chọn giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực hiện như: K12 Online, VNPT-LMS…, sẵn sàng áp dụng khi học sinh không thể đến trường. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả phần mềm quản trị nhà trường; triển khai thí điểm sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử trong các trường THCS, THPT. Qua đó góp phần công khai minh bạch các thông tin, hạn chế tiêu cực.

Đồng thời, tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-ioffice, tại địa chỉ https://sgddtphutho.vnptioffice.vn), đảm bảo liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa tất cả các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh giữa Sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT Phú Thọ đã xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến kết nối từ Sở đến các Phòng GD&ĐT, các trường THPT trên toàn tỉnh. Nhờ đó, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều cuộc họp, hội nghị, tập huấn quan trọng được tổ chức theo hình thức trực tuyến đảm bảo hiệu quả, kịp thời. 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ sử dụng phần mềm PACS phục vụ khám, chữa bệnh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ sử dụng phần mềm PACS phục vụ khám, chữa bệnh. 

Nằm trong tốp bệnh viện tiên phong trong chuyển đổi số của cả nước được vinh danh tại hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai thí điểm thẻ khám bệnh thông minh từ năm 2014. Nhờ đó, việc đăng ký khám, chữa bệnh được thuận tiện hơn, giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính. Cùng với vận hành tốt hệ thống telehealth (khám chữa bệnh từ xa), các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: HIS (quản lý thông tin xét nghiệm), LIS (quản lý thông tin xét nghiệm); PACS (truyền tải, xử lý và lưu trữ hình ảnh không in film)… được đưa vào sử dụng đã tạo bước đột phá quan trọng và đem lại nhiều lợi ích trong khám, chữa bệnh.

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong khám, chữa bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Là cơ sở y tế làm tốt công tác chuyển đổi số trên đại bàn Phú Thọ, từ tháng 9/2020, Trung tâm Y tế huyện chính thức triển khai các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt với các phương thức thanh toán như: Quẹt thẻ ngân hàng qua máy POS; sử dụng QR-Code; thanh toán qua ví điện tử; chuyển khoản trực tiếp; thanh toán qua ứng dụng Viettel Pay… Việc này giúp Trung tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiết tiệm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm nhân lực; đồng thời rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có trên 99% người dân được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử và đang tiếp tục được làm giàu dữ liệu trên hồ sơ; 100% cơ sở KCB đã tích cực, chủ động, quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện các hoạt động. Các phần mềm HIS, LIS, PACS được tăng cường ứng dụng.

Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện đã triển khai thành công bệnh án điện tử, cơ bản bỏ bệnh án giấy truyền thống. Hiện đang có 5 cơ sở KCB hạng I đang hợp tác cùng Viện nghiên cứu dữ liệu lớn (Big Data) thuộc Tập đoàn VinGroup triển khai ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo VinDr trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế.

100% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện đã chủ động tham gia Đề án KCB từ xa. Qua đó giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên; đồng thời triển khai các công cụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, xây dựng hệ thống giao ban truyền hình trực tuyến… 

Người dân thanh toán viện phí bằng QR-Code tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ)
Người dân thanh toán viện phí bằng QR-Code tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ). 

Có thể nói giáo dục và y tế là hai lĩnh vực có tác động trực tiếp và hằng ngày tới người dân. Mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, song trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, đặc biệt tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế còn thấp.

Ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Y tế đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc phục vụ chuyển đổi số để phổ biến rộng rãi đến các trường học, bệnh viện. Hỗ trợ các trường học thuê, mua sử dụng các giải pháp, nền tảng số giáo dục và hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trực tuyến. Hỗ trợ, thúc đẩy các bệnh viện mua sử dụng các nền tảng số y tế, trong đó chú trọng nền tảng số quản lý; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý đơn thuốc điện tử; quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Đồng thời, nghiên cứu, đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, trường học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt đến mọi người dân, qua đó giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng số, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

PV