Cà Mau: Phân công thêm trợ lực khuyến khích phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP

13:10 13/07/2023

Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã phân công sở, ngành, đoàn thể hỗ trợ 17 chủ thể nâng hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng có khả năng đạt từ 4 sao trở lên nhằm góp phần nâng cao thu nhập, chuyển đổi sản xuất.

Hiện nay tại Cà Mau những sản phẩm được xây dựng thành công và có chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên đều là những sản phẩm đặc trưng như tôm, cua, ruốc, cá, chuối, mật ong, gạo, nước mắm, bồn bồn… Đây là những sản phẩm có đầu ra ổn định, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh hiện có 128 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; nhưng hạn chế là vẫn chưa có sản phẩm 5 sao, số lượng sản phẩm OCOP đạt 4 sao còn ít. Hiện tại, chủ thể OCOP chủ yếu là các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; đây được xem là khó khăn cơ bản của các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất này.

Về bài toán đầu ra cho sản phẩm, tỉnh giải quyết thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng gắn với du lịch hoặc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Về bài toán đầu ra cho sản phẩm, tỉnh giải quyết thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng gắn với du lịch hoặc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng..

Anh Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn (ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), chia sẻ: "Khó khăn hiện nay của HTX là chứng nhận vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ đã hết hạn; kinh phí để cấp lại cũng khá lớn, nên rất cần hỗ trợ từ phía ngành chức năng. Bên cạnh đó, HTX cũng gặp khó trong việc đầu tư cơ sở vật chất, bàn ghế, máy vi tính cho nhân viên kế toán làm việc tại văn phòng".

Các chủ thể chưa quan tâm nhiều đến sở hữu trí tuệ , nhiều chủ thể không nắm rõ và không mạnh dạn đăng ký bảo hộ các thương hiệu nên những sản phẩm của các chủ thể chủ yếu tiêu dùng nội bộ và không có sản phẩm xuất sang thị trường quốc tế như mong muốn. Trùng lắp sản phẩm và chú trọng phát triển một số sản phẩm từ lĩnh vực chế biến thuỷ sản, không phát huy tối đa những lợi thế có tính chất đặc trưng cũng là các vấn đề lớn khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, chương trình xây dựng sản phẩm OCOP được địa phương triển khai xuyên suốt thời gian dài đã nhận được những phản hồi tốt từ nhân dân và các doanh nghiệp.

Nhằm thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP, Cà Mau đặt ra mục tiêu trong năm nay tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2020-2022. Phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 30 sản phẩm đạt 4-5 sao (trong đó, 25 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, 5 sản phẩm tiềm năng tham gia phân hạng năm 2023).Cùng với đó, địa phương sẽ ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 20% chủ thể OCOP là HTX, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. 100% vị trí phụ trách chương trình OCOP các cấp, 100% chủ thể OCOP được đào tạo, tập huấn với trình độ phù hợp lĩnh vực kinh doanh mà mình đang triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Quân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, Sở được phân công hỗ trợ 5 sản phẩm của 4 chủ thể thuộc huyện Năm Căn và TP Cà Mau. Sở đã làm việc với huyện, các chủ thể, tìm hướng hỗ trợ, đầu tư gần và sát để đạt hiệu quả cao trong quá trình hỗ trợ.

Với nguồn vốn 2 tỷ đồng chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kết hợp với ngành công thương và nông nghiệp triển khai nguồn kinh phí khuyến công và khuyến nông hỗ trợ cho chủ thể cải tiến mẫu mã và tạo dựng thương hiệu đối với sản phẩm OCOP và đầu tư thiết bị tiên tiến trong quy trình sản xuất.

Về vấn đề tiêu thụ đối với sản phẩm sẽ qua hình thức bày bán và quảng bá sản phẩm ở những địa điểm bán sản phẩm kết hợp với hội chợ hoặc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện công cộng; tham dự hội chợ hoặc kết nối tiêu thụ trong và ngoài nước, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP. Ðây là các chương trình đã triển khai trong thời gian vừa qua và sẽ triển khai hiệu quả hơn nữa trong thời gian tiếp theo.

Ngọc Thư (Theo CMO)