Cà Mau cam kết về nền sản xuất nông nghiệp “Môi trường xanh - Chất lượng sạch”

02:55 11/12/2023

Cà Mau cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Đây là một trong những định hướng để phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nhấn mạnh trong Lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau với chủ đề “Tôm Cà Mau – Tự hào thương hiệu Việt” và diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tối qua 10/12/2023 tại Cà Mau.

Phó Thủ tướng cho rằng, để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Lễ khai mạc Festival tôm Cà Mau
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau.

Trước tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột Nga - Ukraina xảy ra và tiếp tục kéo dài, xung đột Israel - Hamas diễn biến phức tạp, lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid 19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tình hình trong nước với áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh. Bên cạnh đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thì Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều biện pháp để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP năm 2023 của nước ta ước đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,4%, tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong lúc khó khăn.

“Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. 

Cà Mau luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư

Cà Mau đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ như tôm - lúa, tôm - rừng...

Năm 2023, GRDP tỉnh Cà Mau ước tăng 7,83% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 của nước ta ước đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ hai trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia. Riêng tỉnh Cà Mau đóng góp hàng năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 600.000 tấn, riêng sản lượng tôm đạt trên 250.000 tấn, chiếm khoảng 22% của cả nước, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 1,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản và là quốc gia cung ứng tôm lớn thứ hai thế giới. Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những mô hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.

“Với tiềm năng và thế mạnh, tỉnh Cà Mau luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư”. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt khẳng định: "Tận dụng lợi thế về tài nguyên biển, rừng, trong nhiều năm qua Cà Mau đã đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ như tôm - lúa, tôm - rừng,... và đạt nhiều chứng nhận quốc tế. Con tôm ngày nay đã thật sự trở thành sản phẩm không thể tách rời với đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân Cà Mau”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt.

Bên cạnh đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng ĐBSCL đã có trên 1.300 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó giúp người nông dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ thì ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là giá con giống, vật tư đầu vào tăng cao; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng, phụ thuộc một số thị trường lớn; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí mê tan gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm OCOP chưa ổn định…

Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ hội khai mạc tôm Cà Mau
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ hội khai mạc Festival Tôm Cà Mau.

Với sự kiện Festival Tôm Cà Mau lần này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng hy vọng sẽ quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, thương hiệu Tôm Cà Mau và các sản phẩm OCOP của địa phương đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các ngành nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm và liên kết hợp tác trong thời gian tới.

Cà Mau - là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc, có 3 mặt giáp biển, với bờ biển dài 254km; vùng biển rộng trên 80.000 km2, có 3 cụm đảo gần bờ gồm: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc. Cà Mau cũng là nơi có diện tích rừng lớn nhất vùng ĐBSCL; hệ sinh thái đa dạng với rừng ngập mặn, ngập lợ ven biển và rừng Tràm nằm sâu trong đất liền tạo nên hệ động, thực vật phong phú, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar của thế giới. Đây là tiềm năng, là điều kiện cho phát triển bền vững.

Uyển Nhi