Bước đi mới của nhà sản xuất điện thoại Nokia nhằm mang đến sự khác biệt

23:18 26/02/2023

Sự xuất hiện của sản phẩm Nokia G22 mới đây hứa hẹn mở ra một xu hướng mới cho ngành công nghiệp smartphone, vốn rất hạn chế về khả năng sửa chữa.

Nokia G22 là điện thoại thông minh tiêu chuẩn với màn hình 6,5 inch và camera chính 50 megapixel.

Nokia G22 là điện thoại thông minh tiêu chuẩn với màn hình 6,5 inch và camera chính 50 megapixel.

Ngày 25/2, HMD Global ra mắt Nokia G22. Đây là smartphone tập trung vào tính bền vững với khả năng thay thế linh kiện đơn giản, dành cho những người muốn dùng thiết bị lâu nhất có thể.

Nokia G22 là điện thoại thông minh tiêu chuẩn với màn hình 6,5 inch và camera chính 50 megapixel. Nhưng chính lớp vỏ bên ngoài và bên trong của điện thoại mới là điều khiến nó trở nên đặc biệt. Chiếc điện thoại này bao gồm một mặt sau bằng nhựa có thể tái chế, có thể dễ dàng tháo ra để thay thế các bộ phận bị hỏng.

Bao bì điện thoại được làm từ giấy đạt chứng nhận FSC Mix, thể hiện nguồn gốc gỗ được tái chế và kiểm soát chặt chẽ.

HMD hợp tác với iFixit để cung cấp dụng cụ, linh kiện và hướng dẫn chi tiết, giúp người dùng tự thay nắp lưng, pin, màn hình và cổng sạc của Nokia G22.

Theo Neowin, sự xuất hiện của Nokia G22 thực sự đáng chú ý trong bối cảnh người tiêu dùng luôn gặp phải một vấn đề với smartphone, đó là không thể dễ dàng sửa chữa chúng. Để giải quyết vấn đề này, HMD đã hợp tác với công ty sửa chữa điện thoại iFixit, cho phép chủ sở hữu có thể mua bộ dụng cụ sửa chữa và linh kiện thay thế từ iFixit. Sử dụng các bộ dụng cụ, linh kiện và sách hướng dẫn đi kèm, chủ sở hữu Nokia G22 được trang bị các công cụ có khả năng tháo và thay thế các linh kiện đã chọn một cách nhanh chóng.

Ảnh minh Các thành phần linh kiện bên trong Nokia G22
Thành phần linh kiện bên trong mẫu điên thoại Nokia G22.

Adam Ferguson, người đứng đầu bộ phận tiếp thị sản phẩm của HMD Global, cho biết quy trình này sẽ tiết kiệm trung bình 30% so với việc thay thế một chiếc điện thoại cũ bằng một chiếc điện thoại mới.

Các công ty điện thoại thông minh ngày nay đang tăng cường nỗ lực để làm ra những chiếc điện thoại được sử dụng lâu dài hơn vì áp lực từ các cơ quan quản lý.

Nghị viện Châu Âu đang kêu gọi ban hành luật buộc các nhà sản xuất phải cung cấp cho người dùng “quyền sửa chữa”.

Quyền được sửa chữa đến từ một phong trào vận động cho quyền của người tiêu dùng nhằm giúp người dùng sửa chữa các thiết bị của họ dễ dàng hơn.

Ủy ban châu Âu cũng đang tiến tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2050, giúp hầu hết tất cả hàng hóa vật chất có thể được tái sử dụng, sửa chữa hoặc tái chế để giảm thiểu chất thải.

Nokia G22 trang bị camera trước 8 MP, cảm biến vân tay cạnh bên.Về cấu hình, Nokia G22 dùng chip xử lý Unisoc T606 với RAM 4 GB, bộ nhớ trong tùy chọn 64 hoặc 128 GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD. Máy cài sẵn hệ điều hành Android 12, được cam kết cập nhật 2 phiên bản Android và 3 năm vá lỗi bảo mật.

Mặt sau của Nokia G22 trang bị 3 ống kính, gồm camera chính 50 MP, camera chiều sâu 2 MP và camera macro 2 MP. Máy sử dụng pin 5.050 mAh, hỗ trợ sạc có dây công suất 20W.

Do hỗ trợ tháo nắp lưng để thay linh kiện, Nokia G22 chỉ trang bị chuẩn IP52, tương đương kháng tia nước nhẹ và hạt bụi nhỏ. Thiết bị dự kiến lên kệ tại Anh từ ngày 8/3 với giá 179 USD.

Những linh kiện thay thế được bán trên iFixit gồm pin (giá 27,5 USD), màn hình (53,8 USD) và cổng sạc (22,7 USD). Trong khi đó, bộ dụng cụ tháo lắp có giá 6 USD.

Hiện vẫn chưa có thông tin về các thị trường cụ thể mà Nokia G22 sẽ cập bến. Sự xuất hiện của sản phẩm hứa hẹn mở ra một xu hướng mới cho ngành công nghiệp smartphone, vốn rất hạn chế về khả năng sửa chữa.

Từng là một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp điện thoại di động, Nokia đã bị tụt lại phía sau khi những gã khổng lồ điện tử Samsung và Apple vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng.

Nokia đã bán mảng kinh doanh di động của mình cho Microsoft với giá 5,4 tỷ euro (5,8 tỷ USD) vào năm 2014.

Bộ phận này sau đó được HMD, công ty được thành lập bởi các giám đốc điều hành của Nokia ở Phần Lan, mua lại với giá 350 triệu USD. Nokia bỏ túi một khoản phí bản quyền trên mỗi chiếc điện thoại mà HMD bán ra.

Đình Lâm