Bộ TT&TT phê duyệt quyết định về phương án đấu giá 3 khối băng tần cho 5G

22:09 18/01/2024

Có 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz. Mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 1 khối băng tần. Như vậy sẽ có 3 doanh nghiệp có thể có băng tần qua đấu giá để triển khai 5G.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt quyết định về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz cho 5G.

Theo đó, phương án tổ chức đấu giá bao gồm các nội dung chính về điều kiện sử dụng băng tần, thời hạn giấy phép, yêu cầu cam kết triển khai mạng viễn thông, giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước.

Có 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz. Mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 1 khối băng tần. Như vậy sẽ có 3 doanh nghiệp có thể có băng tần qua đấu giá để triển khai 5G.

Tại Việt Nam, băng tần 2500-2600 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced, trong khi 3700-3900 MHz triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các băng tần này để triển khai mạng di động công nghệ 5G hoặc 4G.

Theo phương án tổ chức đấu giá của Bộ, có ba khối băng tần được đưa ra đấu giá lần này, gồm B1 (2500-2600 MHz), C2 (3700-3800 MHz), C3 (3800-3900 MHz). Giá khởi điểm cho khối C2 và C3 là 1.956.892.500.000 đồng, trong khi khối B1 cao gấp đôi là 3.983.257.500.000 đồng, cho thời gian sử dụng 15 năm. Thứ tự đấu giá là B1, C3 và cuối cùng là C2.

Trong vòng 30 ngày sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông công khai phương án tổ chức đấu giá, các doanh nghiệp viễn thông muốn tham gia đấu giá phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký tới Cục Viễn thông.

Kết thúc cuộc đấu giá, Bộ TT&TT thông báo công khai thông tin về cuộc đấu giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Đối với doanh nghiệp trúng đấu giá, trong vòng 3 tháng kể từ ngày được Bộ TT&TT phê duyệt kết quả, doanh nghiệp phải nộp một lần tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trong thời hạn 30 tháng, doanh nghiệp đó phải nộp tiếp một lần tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện còn lại, cộng với số tiền lãi tính theo quy định. Trong thời hạn 60 tháng, doanh nghiệp nộp nốt số tiền còn lại cộng với số tiền lãi tính theo quy định.

Đối với 3 khối băng tần đấu giá thành công, muộn nhất 12 tháng sau khi được cấp phép, doanh nghiệp phải chính thức triển khai dịch vụ 5G trên băng tần này. Sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G. Tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng như đã cam kết trước đó về số lượng trạm triển khai trong vòng 2 năm đầu.

 Các doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam chưa bình luận về phương án trên.

Hồi giữa năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức đấu giá ba khối của băng tần 2300 MHz, với giá khởi điểm gần 5,8 nghìn tỷ đồng mỗi khối. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ, khiến cuộc đấu giá không thành.

Đây cũng là một trong những lý do khiến 5G chưa thể triển khai thương mại chính thức tại Việt Nam. Tháng 9 năm ngoái, Bộ đã công bố kế hoạch thương mại hóa 5G, trong đó có việc đấu giá tần số, xây dựng phương án chia sẻ cơ sở hạ tầng nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, phát triển thiết bị, ứng dụng 5G, đồng thời ưu tiên thương mại hóa 5G sử dụng thiết bị Make in Vietnam.

Phương Linh (t/h)