Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Phải sửa luật để nghiêm trị trốn đóng, chậm đóng BHXH

09:37 06/06/2023

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội- Đào Ngọc Dung đã đưa ra giải pháp cho tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội- Đào Ngọc Dung diễn ra sáng 6/6, đại biểu Mai Thị Thúy đã đặt câu hỏi về nguyên nhân xảy ra tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hết năm 2022 cộng cả lãi và gốc số tiền chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội là 8.560 tỷ đồng, so với 2021 tăng 2,69%. Trong đó, có 226.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm, trốn đóng, làm ảnh hưởng trên 206.000 lao động.

Bộ trưởng phân tích 4 nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên: Thứ nhất do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt có doanh nghiệp cố tình chậm và trốn đóng; thứ hai, cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội chưa quản lý hết; thứ ba do quản lý thiếu hiệu quả và cuối cùng do ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 6/6
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 6/6.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đưa ra các giải pháp như thực hiện nguyên tắc “Người lao động nộp tới đâu thì tính chế độ tới đó". Theo Bộ trưởng, có giai đoạn lao động đóng ngắt quãng đóng 2 – 3 năm thì bảo hiểm xã hội không tính chế độ, Bộ không đồng tình với cách làm này. Trường hợp này được tạm thời ghi lại, và tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm ở đơn vị mới.

Đại biểu Trần Quốc Quân cũng đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Về vấn đề hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, các lao động kể trên đã được liên hệ để hỗ trợ, cụ thể là đóng tới đâu thì ghi nhận tới đó.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trước hết phải sửa luật, bổ sung rõ khái niệm hành vi chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội, quy định các hành vi xử phạt nghiêm minh. Áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn, hiệu quả hơn được thông lệ quốc tế cho phép như: Dừng hóa đơn, hoãn xuất cảnh doanh nghiệp không chấp hành.

Về việc ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, theo Bộ trưởng, tình trạng này tăng nhiều hơn vào cuối 2022 và đầu 2023, chủ yếu là công nhân lao động, khu vực phía Nam chiếm tới 72%. Một trong những nguyên nhân là cơ chế, không một quốc gia nào để cho lao động rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như Việt Nam vì thông lệ quốc tế chỉ cho rút khi bệnh nan y và chuyển sang quốc gia khác. Thêm vào đó, lao động chỉ đóng có 8% nhưng hưởng lợi nhiều nên nhiều người tranh thủ lúc này để rút bảo hiểm xã hội. Đáng nói, hiện có tới 1/3 lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đã quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội; cũng phải nói rằng tuyên truyền của chúng ta chưa tốt. Để giảm tình trạng trên cần nhiều giải pháp, cơ bản phải đảm bảo việc làm cho người lao động. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, phúc lợi đối với người già rất khó đảm bảo.

Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 1/6, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do lỗi từ các doanh nghiệp gây ra.

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung một số biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Bộ đề xuất bổ sung quy định người sử dụng lao động nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế).

Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Sau khi thực hiện các quy định trên mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì tổ chức Công đoàn, cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra Toà án. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Linh An - Quỳnh Chi