Bộ Công Thương ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh

21:09 18/05/2023

Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường ngoài nước, xuất khẩu, đổi mới xúc tiến thương mại, hướng tới các thị trường tiềm năng.

Tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trong 4 tháng và giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, 4 tháng đầu năm và nửa tháng 5/2023, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, do tăng trưởng chậm lại của các thị trường mà Việt Nam luôn có thế mạnh xuất khẩu (như Mỹ, Liên minh châu Âu-EU, Anh). Nguyên nhân là do tình hình nội tại các nước trên còn khó khăn nên đầu tư ra bên ngoài cũng chậm lại, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng giảm đã ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Đáng chú ý, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 91,16 tỷ USD, giảm 14,1%... "Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa...," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dù xuất khẩu đi xuống song thị trường trong nước đã phát huy vai trò trụ đỡ, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%). Nếu so với so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.

Dự báo thời gian tới dù tình hình thế giới vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, nhiều nước đang có xu hướng dựng lên các rào cản để ngăn sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu. Cùng đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng cạnh tranh của hàng hóa tại nhiều thị trường... song trước những kết quả tháng 4 đã có sự phục hồi tốt hơn so với 3 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sự phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu, đầu tư công ở trong nước đã dần phát huy tác dụng, tạo đà cho việc phục hồi sản xuất-kinh doanh cũng như tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về phía Bộ Công Thương, ông Hải cho hay, cơ quan này sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường ngoài nước, xuất khẩu, đổi mới xúc tiến thương mại, hướng tới các thị trường tiềm năng và thị trường ít tác động như ASEAN, quyết liệt tiến vào các thị trường mới nổi.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng giữa các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức xúc tiến thương mại nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung các giải pháp phát triển thị trường nội địa như trụ đỡ khi xuất khẩu gặp khó khăn, triển khai kịp thời các chương trình kích cầu, phát triển mạnh thương mại điện tử và hạ tầng thương mại vùng sâu, cùng xa, khu vực miền núi, hải đảo.

Theo báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I/2023 và dự báo quý II/2023 của Tổng cục Thống kê thì các doanh nghiệp cho rằng, các khó khăn của doanh nghiệp bao gồm nhu cầu thị trường, trong nước và quốc tế thấp chiếm lần lượt 52,4% và 32,2%, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao chiếm 48%, chi phí vốn cao và các khó khăn về tài chính chiếm lần lượt 47,8% và 30,2%.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, quý II và đến quý III/2023 sẽ là thời điểm đặc biệt quan trọng khi hàng loạt chính sách, cơ chế, nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành đã được ban hành sẽ đi vào thực thi một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là vấn đề về tài chính, tài khóa, về giảm các chi phí, giảm lãi vay của hệ thống ngân hàng… Cùng với đó là sự đồng hành của Chính phủ, yêu cầu từ cán bộ, công chức, viên chức tăng cường trách nhiệm để hỗ trợ, giúp đỡ người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách một cách nhanh nhất.

P.V (t/h)