Bình Thuận: Đề nghị tăng cường tiêu thụ nông sản nội địa và đa dạng hoá phương thức vận chuyển xuất khẩu nông sản để tránh ùn ứ

11:26 15/01/2022

Ngày 15/1, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản hỏa tốc gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban quản lý các Khu công nghiệp; Liên minh Hợp tác xã; Hiệp hội Thanh long Bình Thuận; các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trên địa bàn khuyến cáo tạm dừng đưa hàng hóa xuất khẩu lên cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Trước tình hình này, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu, lối mở biên giới các tỉnh phía Bắc được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị khẩn trương thông báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu. Quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định. Tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo, đáp ứng thị trường tiêu thụ.

Tổng diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 33.000ha với sản lượng hàng năm khoảng 700.000 tấn
Diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 33.000ha với sản lượng trên 700.000 tấn/năm. (Ảnh: Phạm.Giang)

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động nghiên cứu, cập nhật những yêu cầu của thị trường xuất khẩu; xem xét lựa chọn các phương thức xuất hàng khác như qua cảng biển nhằm giảm tải cho cửa khẩu đường bộ; thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ chủ hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch như tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại... Chủ động thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hóa, đảm bảo không có virus COVID-19. Đồng thời, chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc.

Sở Công Thương Bình Thuận cũng đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên lựa chọn phương thức xuất hàng qua cảng biển, triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, tập trung vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước, liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước nhằm đẩy mạnh hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường thu mua thanh long vào vụ thu hoạch để lưu kho, tiêu thụ nội địa, xuất khẩu qua các đường khác để giúp nông dân tiêu thụ thanh long với giá hợp lý.

Trung Quốc hiện đang hạn chế thông quan ở các cửa khẩu khiến nông sản ùn ứ ở Lạng Sơn và Quảng Ninh, Bộ NN-PTNT và Bộ GTVT phối hợp tổ chức  hội nghị “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển” để  tìm cơ chế cho xuất khẩu nông sản Việt Nam qua đường biển thuận lợi. 

Ở cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn, chỉ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 3 cửa khẩu (cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma). UBND tỉnh Lạng Sơn thông báo, tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 17/1/2022 cho đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Tại cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh, Trung Quốc đã thực hiện việc tạm dừng thông quan hàng hóa tại lối mở Km 3-4 Hải Yên để tiến hành xét nghiệm và cách ly đối với những người tiếp xúc có liên quan và tiến hành phun khử khuẩn tại khu vực bãi kiểm hóa.  

Hiện nay, tổng diện tích thanh long ở tỉnh Bình Thuận là hơn 33.000ha với sản lượng hàng năm khoảng 700.000 tấn. Dự kiến sản lượng thu hoạch thanh long từ nay đến cuối tháng 2/2022 là khoảng 120.000 tấn. Những ngày qua, việc tiêu thụ thanh long gặp khó và trái thanh long liên tục giảm giá khi chỉ còn khoảng 2.000-4.000 đồng/kg. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ người trồng thanh long tiêu thụ trong thị trường nội địa và đa dạng hoá phương thức vận chuyển.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Nguyễn Xuân Sang, các doanh nghiệp cần khai thác song song bằng đường biển, đường bộ, thậm chí nghiên cứu chuyển sang đường hàng không. Đối với cước phí vận chuyển, phần lớn là của các hãng tàu quốc tế nên khó can thiệp vào giá. Bộ GTVT sẽ làm việc với các hãng tàu, khuyến khích các đơn vị này tăng tần suất đi chuyến Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời làm việc với một số cảng để ưu tiên các hàng nông sản xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - ông Trần Thanh Nam, hiện một số cửa khẩu phía Bắc đã cho thông quan hàng hóa trở lại. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm vì chỉ cần một lô hàng bị phía Trung Quốc phát hiện có virus SARS-CoV-2 là sẽ dừng thông quan tối thiểu 7 ngày để khử khuẩn. Do đó, việc đa dạng hóa các phương thức vận chuyển là cần thiết để hạn chế rủi ro không chỉ trước mắt mà còn lâu dài cho hoạt động xuất khẩu nông sản.

Hiện xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ chiếm 70%, đường biển chiếm 30% và phục vụ cho 2 phân khúc thị trường khác nhau nên việc chuyển đổi đường vận tải sẽ còn nhiều khó khăn./.

Phạm.Giang