Bảo tồn văn hóa lịch sử miền quê Bắc Bộ tại nơi có tháp Thần Nông lớn nhất Việt Nam

12:51 01/12/2023

Đây là cách lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử của miền quê Bắc Bộ. Công ty mong muốn khu trưng bày sẽ là địa chỉ để thế hệ học sinh được trải nghiệm.

Tối 30/11, Hội đồng Xác lập kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao giấy chứng nhận kỷ lục châu Á đối với Tháp cối đá (Tháp Thần Nông) tạo hình hạt lúa lớn nhất Việt Nam đặt tại trung tâm Khu sinh thái Đông Đô (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).

ội đồng Xác lập kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao giấy chứng nhận kỷ lục châu Á đối với Tháp cối đá (Tháp Thần Nông)
Hội đồng Xác lập kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao giấy chứng nhận kỷ lục châu Á đối với Tháp Thần Nông.

Nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên 20.000m2, Tháp Thần Nông cao 15m, chia thành 5 tầng được ghép bởi 1.012 chiếc cối đá xếp vòng ngoài, bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố. Tháp được tạo hình hạt lúa dựng thẳng đứng, vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm. Bên trong Tháp Thần Nông có bậc thang lên xuống, thiết kế với hình hạt thóc được dựng theo chiều thẳng đứng. Quần thể cối đá, trục đá kéo lúa, cối đá xay thóc gạo được bài trí xung quanh tháp để hình thành một khu trưng bày đồ đá gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.

Quá trình xây dựng Tháp Thần Nông được tư vấn bởi nhiều kiến trúc sư, chuyên gia
Quá trình xây dựng Tháp Thần Nông được tư vấn bởi nhiều kiến trúc sư, nghệ nhân nổi tiếng.

Được biết, người dựng nên Tháp Thần Nông là ông Trần Văn Toản - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô. Nói về ý định khi dựng Tháp Thần Nông, ông Toản chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại, tại nhiều vùng quê, những chiếc cối đá, trục đá, cối xay lúa… bị bỏ ở lề đường, bờ bụi. Vì vậy, công ty dành thời gian, công sức để sưu tầm những chiếc cối đá, xây dựng khu trưng bày để lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của những vùng quê, của nền văn hóa nông nghiệp. Đây là cách lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử của miền quê Bắc Bộ. Công ty mong muốn khu trưng bày sẽ là địa chỉ để thế hệ học sinh được trải nghiệm, biết đến những vật dụng gắn với đời sống của thế hệ trước..."

Tháp Thần Nông - biểu
Tháp Thần Nông có bậc thang lên xuống, thiết kế với hình hạt thóc được dựng theo chiều thẳng đứng.

Theo ông Toản, việc xây dựng tháp bằng cối đá là thách thức rất lớn trong quá trình thi công. Đơn vị thi công phải lựa chọn những cối đá có kích thước tương tự nhau và vận chuyển lên cao. Với sự trợ giúp của các kiến trúc sư, nghệ nhân nổi tiếng trong việc khảo cứu, phục dựng các không gian văn hoá xưa cũ, ý tưởng xếp những chiếc cối đá nặng nề thành Tháp Thần Nông - vị thần của nền nông nghiệp lúa nước đã thành hiện thực. 

Trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa thì Viêm Đế Thần Nông đều được xem là vị thần cai quản nông nghiệp, có vai trò mở mang hiểu biết về các cây thuốc, dạy dân làm đồ gốm, chỉ dạy các phương thức sinh sống cho người dân…

Thờ cúng Thần Nông là tín ngưỡng lâu đời, là nét văn hóa đặc sắc của cư dân trồng lúa nước. Tín ngưỡng này được thể hiện bằng nhiều nghi lễ khác nhau ở mỗi dân tộc, vùng miền như: Lễ cầu mùa, xuống đồng, cầu đảo, cúng cơm mới, tịch điền...

Mỹ Ánh