Bang đầu tiên của Mỹ cấm ứng dụng TikTok do lo ngại về an ninh

20:45 16/04/2023

Nếu được chính thức phê chuẩn, lệnh cấm sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1 năm 2024 và áp dụng mức phạt 10.000 USD cho các trường hợp vi phạm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Montana - tiểu bang nằm phía tây bắc nước Mỹ đã thông qua lệnh cấm nền tảng video ngắn TikTok của Trung Quốc ở cấp nghị viện do lo ngại về an ninh. Với số phiếu tán thành/phủ quyết là 54/43, dự luật đã nằm trên bàn làm việc của Thống đốc Greg Gianforte. Nếu ông đặt bút ký, TikTok sẽ bị cấm tại tiểu bang và người dân tại đây không thể tải phần mềm này trên các kho ứng dụng cho thiết bị thông minh.

Luật này đánh dấu bước tiến xa nhất của các chính quyền bang tại Mỹ trong việc hạn chế TikTok do các lo ngại về vấn đề an ninh. Đồng thời, đây cũng là bước thử đầu tiên cho các nhà lập pháp trước việc đưa ra các luật “nói không” với ứng dụng này.

Nếu được ký phê chuẩn, luật cấm sử dụng và cài đặt TikTok trên phạm vi bang Montana sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2024. 

Ngoài việc nhắm tới cấm TikTok, dự luật mang số SB419 còn quy định những kho ứng dụng nào cho phép hiển thị phần mềm TikTok sẽ bị phạt tới 10.000 USD mỗi ngày. Các cá nhân sinh sống tại Montana có sử dụng nền tảng chia sẻ video ngắn không bị phạt hành chính hay giam giữ vì sử dụng chương trình.

Theo AP, người phát ngôn của TikTok, Brooke Oberwetter hứa hẹn sẽ thách thức pháp lý đối với tính hợp hiến của dự luật, nói rằng những người ủng hộ dự luật “đã thừa nhận rằng họ không có kế hoạch khả thi” để thực thi “nỗ lực kiểm duyệt tiếng nói của người Mỹ”.

Oberwetter cho biết, công ty “sẽ tiếp tục đấu tranh cho những người dùng và người sáng tạo TikTok ở Montana, những người mà sinh kế và nhân quyền đang bị đe dọa bởi sự tiếp cận quá mức nghiêm trọng này của chính phủ".

Theo CNN, lệnh cấm TikTok ở bang Montana cũng gặp một số rào cản. Cụ thể, một nhóm thương mại do Apple và Google tài trợ cho biết, họ không thể giới hạn việc tải ứng dụng TikTok tại một tiểu bang duy nhất.

Ngoài ra, những người phản đối lệnh cấm trên còn cho rằng người dùng TikTok có thể giả mạo địa chỉ IP (địa chỉ dùng để liên lạc bằng cách sử dụng giao thức Internet) của nơi khác để sử dụng ứng dụng, và lệnh cấm trên khó có thể áp dụng ở các vùng biên giới.

Trước đó, Thống đốc bang Montana đã từng ra lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của chính quyền.

TikTok, ứng dụng chia sẻ video với hơn 150 triệu người dùng ở Mỹ, ngày càng chịu sự giám sát nghiêm ngặt ở nước này do lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng.

Mai Hà (t/h)