Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ họp tìm cách khắc phục các điểm nghẽn, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư

15:58 27/09/2021

Vừa qua, dưới sự chủ trì của ông Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, BTV Tỉnh ủy họp, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 3/5/2017 về phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đến năm 2020; Phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ- Bùi Minh Châu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ- Bùi Minh Châu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ khẳng định: Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, ban hành các chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã triển khai quyết liệt khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, cải cách hành chính. Qua đó, đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng nhanh, bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định một khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết chuyên đề là rất quan trọng nhằm cụ thể hóa khâu đột phá, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ lưu ý: Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư. Vì vậy, cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch; hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh. Ưu tiên thu hút đầu tư đối với các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án động lực, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ.

Nhất trí với các nội dung dự thảo Nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Nghị quyết cần phải tập trung đưa ra các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào hai khâu quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; quan tâm bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các dự án. Khắc phục các điểm nghẽn về thủ tục đầu tư, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực; cơ chế, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh quá trình phát triển, hướng tới mục tiêu tạo môi trường thông thoáng, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh các nội dung để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết trình BCH Đảng bộ tỉnh xem xét tại kỳ họp tới. Sau khi Nghị quyết được ban hành, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về yêu cầu, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó tạo quyết tâm chính trị, sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện. 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị. 

Cho ý kiến đối với phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nghị định số 107); Nghị định 180/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nghị định số 180) và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 120),

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; chức năng, nhiệm vụ được rà soát, điều chỉnh cơ bản phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực.

Khẳng định sự cần thiết phải xây dựng phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị đảm bảo đúng với quy định tại Nghị định số 107, Nghị định số 180 và Nghị định số 120, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Thọ rà soát, nghiên cứu xây dựng Đề án cụ thể để triển khai thực hiện cho phù hợp, hiệu quả, đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và sự thống nhất, thông suốt, quản lý ngành, lĩnh vực công tác từ trung ương đến cơ sở. Quan điểm là thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị theo tiêu chí quy định, trên cơ sở số lượng biên chế hiện có, không bổ sung biên chế. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp số lượng cấp phó theo đúng quy định.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai quyết liệt các khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hình thành hệ thống giao thông kết nối với hệ thống các tuyến quốc lộ, cao tốc; kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp. Tính đến hết năm 2020, hạ tầng khu công nghiệp đã hoàn thành 1.247,7ha, chiếm 33% diện tích; trong đó có 4/7 khu công nghiệp đã triển khai, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%.

Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện; hoạt động đào tạo nghề có nhiều đổi mới; ý thức, trình độ tay nghề của lao động được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động tại chỗ của doanh nghiệp. Cải cách hành chính được được thực hiện quyết liệt; tỉnh đã tập trung rà soát, bãi bỏ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thẩm định dự án đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư được rút ngắn từ 35 ngày xuống 18 ngày; đẩy mạnh áp dụng hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng.

Đến hết năm 2020, trên địa bàn có 8.764 doanh nghiệp; số doanh nghiệp thực tế đăng ký hoạt động là 5.918 doanh nghiệp, tăng 55% so với năm 2016 (cao hơn so với bình quân toàn quốc 62,4%; chiếm 24,4% doanh nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc bộ). Hoạt động sản xuất kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, khu vực ngoài quốc doanh và đầu tư nước ngoài tăng khoảng trên 10%; tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp trong GRDP của tỉnh đến năm 2020 đạt 34.546 tỷ đồng, tương đương 45,8%.

Dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu cụ thể: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt từ 7,5%/năm trở lên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 160 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với giai đoạn trước; thu hút vốn FDI đăng ký 2 - 2,5 tỷ USD. Đến năm 2025 có khoảng 11 nghìn doanh nghiệp, tăng bình quân 12%/năm, tạo việc làm mới cho 40 - 50 nghìn lao động.

Về phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 107, Nghị định số 180 và Nghị định số 120, các cơ quan chuyên cấp tỉnh sẽ giữ nguyên 19 Sở và 2 tổ chức tương đương đảm bảo tiêu chí theo quy định; cấp huyện giữ nguyên 160 phòng thuộc 13 huyện, thành, thị; thành lập thêm 8 phòng thuộc 7 sở, ngành; sáp nhập giảm 18 phòng thuộc 11 Chi cục… Tiến hành tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp; sáp nhập các đơn vị có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng điều kiện về số lượng người làm việc tối thiếu thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đảm bảo quy định…

PV