Bài I: Tổng Cty Xây dựng Hà Nội – CTCP có dấu hiệu phó mặc vốn nhà nước tại công ty con

14:08 19/06/2023

Sai phạm trong quản lý vốn nhà nước xảy ra thành hệ thống và gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tại công ty con nhưng không được công ty mẹ là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP ngăn chặn hiệu quả.

Đến nay, công ty con không hoạt động hơn 1 năm, chỉ ăn bằng vốn, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội- CTCP cũng phó mặc, đã gây bức xúc cho dư luận, gây thiệt hại tài sản nhà nước và cổ đông.

Hoạt động Công ty Tây Hồ lại theo kiểu “bình mới, rượu cũ”

Sau loạt bài của Doanh nghiệp & Hội nhập, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ (gọi tắt là Công ty Tây Hồ) về hành vi làm thất thoát tài sản nhà nước. Những ‘phi vụ” này ít nhiều có dấu hiệu trách nhiệm của công ty mẹ là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội- CTCP (gọi tắt là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội). Thời gian gần đây, Công ty Tây Hồ lại xảy ra hàng loạt chuyện "kỳ lạ" liên quan đến trách nhiệm của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đã cử ông Dương Mạnh Hùng và ông Nguyễn Đức Toàn là Người đại diện vốn của mình tại Công ty Tây Hồ, thay thế cho những người đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giam trong vụ án khởi tố ngày 14/2/2022. Ngay sau đó, ông Dương Mạnh Hùng được Đại hội đồng cổ đông bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của công ty tại cuộc họp bất thường ngày 25/4/2022.

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội là doanh nghiệp có 98,3 % vốn nhà nước, có 50,09 % cổ phần tại Công ty Tây Hồ. Do đó, việc quản lý số vốn này phải tuân thủ theo Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, khoản 4 Điều 47 Luật này quy định: Số lượng người đại diện không chuyên trách tại một doanh nghiệp không quá 30% số lượng thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị. Quy định này nhằm đảm bảo cho Người đại diện có đủ thời gian để quản lý vốn, chỉ đạo sản xuất kinh doanh được sâu sát, cụ thể và hiệu quả. Thế nhưng, ông Dương Mạnh Hùng và ông Nguyễn Đức Toàn do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đề cử và được bầu trúng vào HĐQT đều là Người đại diện không chuyên trách, chiếm 2/3 thành viên HĐQT, vượt quá ngưỡng 30% theo quy định nêu trên.

Một bộ phận không ít người lao động tại Công ty Tây Hồ đang phản ứng dữ dội, gửi đơn thư đến nhiều nơi, nhiều cấp phản ánh việc ông Dương Mạnh Hùng không tổ chức cho công ty triển khai sản xuất, kinh doanh kể từ khi ông về công ty cho đến nay. Mọi đề xuất, mọi ý kiến liên quan đến tổ chức sản xuất kinh doanh đều bị  gạt bỏ, không chấp nhận triển khai thi công đối với các công trình đang dang dở, không chấp nhận phương án liên doanh, liên kết với đối tác, phong tỏa số tiền đối tác thanh toán không cho đưa vào sản xuất kinh doanh. Vì vậy, một số cổ đông và người lao động đã nghi ngờ khả năng quản lý điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh của ông Dương Mạnh Hùng.

Ảnh minh họa
Trụ sở Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội- CTCP.

Hậu quả của việc  bị “đắp chiếu” nêu trên là, người lao động không có thêm thu nhập, vốn không được quay vòng để sinh lời, người mua sản phẩm của dự án Quế Võ I chậm được giao nhà giao đất, đối tác không được thanh toán theo hợp đồng. Nghiêm trọng hơn, vốn liếng bị cụt dần do vẫn phải chi phí quản lý doanh nghiệp, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, phải trả lương cho người lao động và cả thù lao cho HĐQT.

Những chỉ đạo “kỳ lạ” của ông Dương mạnh Hùng

Không tổ chức cho công ty sản xuất kinh doanh, vốn công ty ngày càng cụt đi nhưng Chủ tịch Dương Mạnh Hùng lại quyết định làm phình to bộ máy. Tại Quyết định số 29/QĐ-HĐQT ngày 21/11/2022 do chính ông Dương Mạnh Hùng ký, có nội dung tách Phòng Tổ chức - Hành chính thành Phòng Nhân sự và Văn Phòng.

Việc tách này sẽ gây tốn kém thêm chi phí quản lý, thêm diện tích, phương tiện làm việc. Trong khi đó, Phòng Tổ chức - Hành chính hiện nay rất gọn nhẹ, chỉ do một Trưởng phòng phụ trách, chỉ có 2 người làm công tác nhân sự và văn thư hành chính, còn lại 6 người là tạp vụ, lái xe và bảo vệ. Do đó, thực chất chỉ có 2 người làm nghiệp vụ nhân sự, chính sách vừa kiêm làm công tác hành chính, văn thư nhưng vẫn đảm bảo tốt công tác tham mưu, giúp việc phục vụ chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cổ đông và người lao động công ty còn thấy lạ trước quyết định của ông Dương Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT về việc giao ông Nguyễn Tuấn Anh – người bị đã kỷ luật sa thải do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, giữ trọng trách phụ trách Văn phòng công ty (tách ra từ Phòng Tổ chức- Hành chính).

Không chỉ có vậy, thực tế diễn ra, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội còn làm ngơ trước hàng loạt đơn thư phản ánh, kiến nghị, tố cáo. Thậm chí làm ngơ cả báo cáo của cấp ủy chi bộ về tình hình phức tạp tại Công ty Tây Hồ. Đối với các đơn thư, báo cáo này, ông Dương Mạnh Hùng chỉ đạo giao cho Ban Kiểm soát công ty giải quyết (?). Theo quy định tại Điều 47 của Điều lệ hoạt động công ty và Điều 170 Luật Doanh nghiệp 2020 về quyền và nghĩa vụ của Ban Kiểm soát, không có nội dung nào quy định Ban Kiểm soát có chức năng xác minh, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, Ban Kiểm soát là một bộ phận của công ty, không nằm trong cơ cấu của tổ chức Đảng nhưng lại được ông Dương Mạnh Hùng giao giải quyết đối với báo cáo, kiến nghị của cấp ủy chi bộ - hành vi kỳ lạ này có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.

Vốn nhà nước bị ứ đọng do không được lưu chuyển, bị ăn vào vốn do không sản xuất kinh doanh đang là vấn đề “nóng” đối với các cổ đông và người lao động của Công ty Tây Hồ. Tuy nhiên, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội vẫn đang “im lặng”.

Phóng viên tòa soạn đang liên hệ với Hội đồng quản trị Công ty Tây Hồ và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.

Minh Anh