Bài hát “Duyên dáng Việt Nam ơi”: Sự cách tân với chiếc áo dài truyền thống bằng âm nhạc

15:55 05/03/2023

Từ bài thơ “Áo dài Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã phổ nhạc thành ca khúc “Duyên dáng Việt Nam ơi” với chất liệu âm nhạc mới mẻ, trẻ trung, tựa như sự cách tân với chiếc áo dài truyền thống bằng âm nhạc.

Chia sẻ về món quà âm nhạc đặc biệt đúng vào dịp Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 và Tuần lễ Áo dài Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến, hiện đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và là tác giả của bài thơ “Áo dài Việt Nam” được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc thành ca khúc “Duyên dáng Việt Nam ơi” cho biết, chị rất hạnh phúc về “mối nhân duyên” rất đặc biệt giữa chị và nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.

Chị và nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện quen nhau qua facebook. Cảm nhận bài thơ “Áo dài Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hoàng Yến rất hợp với cách viết theo một giai điệu kiểu mới, trẻ trung nên vị nhạc sĩ tài hoa đã lấy lấy nguyên 4/5 khổ của bài thơ để sáng tác ca khúc “Duyên dáng Việt Nam ơi”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, bài hát viết về đề tài chiếc áo dài thì đã có rất nhiều bài hay của các nhạc sĩ trước đó rồi. Nhưng đó là những tà áo dài nền nã trên nền nhạc truyền thống. Nhưng theo trào lưu quốc tế, trên sàn catwalk, vẫn tà áo dài ấy nó được biến tấu rất đẹp, hợp với thị hiếu và thời đại bây giờ. Nên nhạc sĩ nghĩ phải có một chất liệu âm nhạc mới mẻ, trẻ trung hơn, phù hợp với sàn catwalk về áo dài của chúng ta bây giờ.

Bởi vậy, ông đã mang đến một sự cách tân với chiếc áo dài truyền thống bằng âm nhạc, không dùng âm nhạc truyền thống để mô tả chiếc áo dài mà dùng phong cách R&B trẻ trung, sôi động, mang hơi thở đương đại đối với ca khúc “Duyên dáng Việt Nam ơi”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bài thơ “Áo dài Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến đã được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc thành ca khúc “Duyên dáng Việt Nam ơi” với chất liệu âm nhạc mới mẻ.

“Tôi rất thích ý tưởng của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bởi ông luôn là con người tươi trẻ. Khi tiếp xúc với ông, được nghe những ca khúc, những ý tưởng của ông, tôi nhận thấy nhạc sĩ có tâm hồn trẻ trung, hiện đại. Tôi đặc biệt thích những ca khúc đầy năng lượng, tích cực và đầy sức sống của ông. Ông đã dành cho bài thơ của tôi một bản R&B phù hợp với bước catwalk trên sân khấu cùng tà áo dài tươi trẻ và hiện đại. Tôi rất vui khi ông chia sẻ rằng ông mong muốn nó sẽ tươi trẻ và có sức sống như là “ Ơi cuộc sống mến thương” - một ca khúc nổi tiếng của ông”, nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ niềm vui.

Nói về bài thơ “Áo dài Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê lụa, quê ngoại là làng Bùng, Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội, vốn có nghề dệt lụa. Tuổi thơ của chị gắn bó sâu đậm với con sông Đáy và những vườn tơ. Hồi còn nhỏ, chị thường xuyên phụ quay tơ dệt lụa với bà.

“Tôi thích vô cùng cái cảm giác được chạm vào những tấm lụa mát mịn rất là đằm và nặng tay. Thế rồi lớn lên tôi mê mẩn chiếc áo dài, bởi vì tôi mặc cái gì cũng xấu (cười), nhưng riêng áo dài thì khi mặc tôi lại thấy mình tự tin hơn, đặc biệt những chiếc áo được may bằng chất liệu lụa. Do đó trong các bài thơ của tôi hay xuất hiện hình ảnh của chiếc áo lụa. Nhân dịp thành lập Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam, qua nói chuyện với các chị lãnh đạo Câu lạc bộ, tôi lại được thắp thêm tình yêu áo dài”, chị Yến chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến đã viết bài thơ “Áo dài Việt Nam” để dành tặng Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam và tất cả những người phụ nữ Việt Nam yêu quý chiếc áo dài nói riêng và mọi người nói chung yêu quý chiếc áo dài- Quốc phục của Việt Nam.

“Tôi xin được cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã dành cho tôi món quà là ca khúc phổ từ bài thơ “Áo dài Việt Nam” và xin cảm ơn ông đã dành cho người yêu nhạc cũng như phụ nữ Việt Nam một tác phẩm tuyệt vời về chiếc áo dài duyên dáng”, nhà thơ Nguyễn Hoàng Yến bày tỏ.

 Hà Anh