Apple có doanh số bán máy tính giảm mạnh nhất trong quý đầu năm

16:57 10/04/2023

Lượng máy tính xách tay xuất xưởng của Apple đã giảm mạnh trong quý I. Cụ thể, mảng kinh doanh máy Mac của công ty đã giảm 40,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều mẫu MacBook của Apple được giảm giá, khi doanh số đi xuống
Nhiều mẫu MacBook của Apple được giảm giá khi thị trường PC trên toàn cầu đang ảm đạm. 

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IDC, các lô hàng máy tính cá nhân (PC) trên toàn cầu đã giảm 29% trong quý đầu tiên của năm 2023 do nhu cầu ít, hàng tồn kho nhiều và môi trường kinh tế vĩ mô xấu đi, trong đó Apple Inc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong báo cáo mới nhất của mình hôm 10/4, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cho biết, các lô hàng PC toàn cầu đạt 56,9 triệu trong quý đầu tiên của năm nay, giảm so với 80,2 triệu trong cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó trong quý 4 năm 2022, doanh số PC cũng giảm 28,1% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo mới nhất của IDC, lượng máy tính xách tay xuất xưởng của Apple đã giảm mạnh trong quý I. Cụ thể, mảng kinh doanh máy Mac của Táo khuyết đã đi xuống 40,5% so với cùng kỳ năm 2022. Bloomberg cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy một năm khó khăn với toàn ngành PC, với áp lực tồn kho lớn.

Tại Việt Nam, không có con số thống kê cụ thể về mức độ đi xuống của máy tính Apple. Tuy nhiên, các đại lý bán lẻ trong nước đã giảm giá thiết bị về mức thấp kỷ lục cho nhiều mẫu MacBook, máy Mac khác. Ví dụ, chiếc MacBook Air M1, từng là laptop bán chạy nhất tại nhiều đại lý, hiện còn 17-18 triệu đồng, giảm hơn 5 triệu đồng so với chỉ vài tháng trước.

Không chỉ Apple, toàn ngành máy tính cá nhân cũng sụt giảm mạnh về doanh số. Trong các doanh nghiệp dẫn đầu mảng này, Lenovo và Dell đều giảm hơn 30% doanh số. HP cũng chứng kiến mức đi xuống khoảng 24,2%. Không có thương hiệu nào thoát khỏi làn sóng này, Asus cũng giảm sút 30,3% doanh số so với cùng kỳ.

Trước đó, hồi tháng 2, Apple đã báo cáo rằng doanh số bán máy tính Mac của họ đã giảm 29% so với cùng kỳ xuống còn 7,7 tỷ USD trong quý gần đây nhất do đã qua thời kỳ bùng nổ trong đại dịch Covid-19.

Theo IDC, kết quả báo cáo mới nhất phù hợp với điều kiện hiện tại, khi hầu hết mọi người đã quay trở lại làm việc tại các văn phòng, khiến nhu cầu sử dụng PC tại nhà không còn cao.

Ngoài ra, những lo ngại về lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể dẫn tới suy thoái, chưa kể tới sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu gần đây đã cản trở tăng trưởng và đầu tư tài chính, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu dùng.

Linn Huang, Phó Chủ tịch nghiên cứu mảng Thiết bị và Màn hình của IDC cho biết: “Nếu nền kinh tế có xu hướng đi lên vào năm 2024, chúng tôi kỳ vọng thị trường PC sẽ tăng trưởng đáng kể khi người tiêu dùng tìm cách làm mới máy móc của mình, như các trường học tìm cách thay thế những chiếc Chromebook đã cũ và các doanh nghiệp chuyển sang dùng Windows 11.

Nhưng nếu suy thoái kinh tế ở các thị trường trọng điểm kéo dài sang năm tới, thì quá trình phục hồi có thể rất khó khăn”.

Theo IDC, sự sụt giảm nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng tới doanh số PC mà còn dẫn đến sự sụt giảm 2 con số trong các lô hàng điện thoại thông minh và tình trạng dư thừa hàng hóa tích lũy của các nhà cung cấp chip nhớ hàng đầu thế giới. 

Cụ thể, Samsung Electronics, công ty cung cấp bộ nhớ cho các thiết bị di động cũng như máy tính để bàn và máy tính xách tay, tuần trước cho biết họ đang cắt giảm sản xuất bộ nhớ sau khi báo cáo lợi nhuận thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Mặc dù tình trạng sụt giảm doanh số hiện tại tương đối bi quan, phía IDC cũng đưa ra khía cạnh khác, cho rằng đây là thời điểm để các nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt khi nhiều hãng đang tìm cách mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Một ví dụ tiêu biểu là Apple, công ty đang dần đa dạng hóa địa lý của cơ sở sản xuất của mình khi căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng được sắp xếp cẩn thận của hãng.

Hà Anh (t/h)