Ấn Độ đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

17:02 08/04/2024

Ấn Độ, nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đang cố gắng thu hút các doanh nghiệp lớn muốn đa dạng hóa sản xuất trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ấn Độ đặt mục tiêu thu hút ít nhất 100 tỷ USD vốn FDI mỗi năm khi quốc gia Nam Á này nhắm vào các nhà đầu tư muốn đa dạng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

"Mục tiêu của chúng tôi là đạt trung bình ít nhất 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Xu hướng này rất tích cực và đi lên", ông Rajesh Kumar Singh, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa, Bộ Công Thương Ấn Độ, trả lời Bloomberg trong cuộc phỏng vấn ở New Delhi.

Mục tiêu đầy tham vọng này cao hơn mức trung bình hàng năm là hơn 70 tỷ USD vốn FDI trong 5 năm qua, tính đến tháng 3/2023 và sẽ là một sự đảo ngược xu hướng sau sự suy giảm của năm ngoái. Ông Singh cho biết, con số của năm tài chính hiện tại sẽ "gần hơn" với mục tiêu thu hút vốn FDI 100 tỷ USD.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đang cố gắng thu hút các doanh nghiệp lớn muốn đa dạng hóa sản xuất trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Các ông lớn công nghệ như Apple và Samsung đã đẩy mạnh sản xuất ở Ấn Độ, tận dụng các ưu đãi do chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra.

Theo ông Singh, Ấn Độ có cơ hội tăng trưởng thị trường chưa từng có trong nhiều lĩnh vực như xe điện, hàng điện tử hoặc hàng tiêu dùng nói chung, nơi mức độ thâm nhập của dân số nước này thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.

Ông cho biết, chính phủ sẽ thực hiện nhiều bước hơn nữa để nới lỏng các quy định về FDI. Tăng cường tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế Ấn Độ là một trong những cam kết chính được Thủ tướng Modi đưa ra, trong bối cảnh ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử sắp bắt đầu từ ngày 19/4 tới.

Bên cạnh đó, ông Singh cho biết, chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của chính phủ đã giúp thúc đẩy sản xuất, giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhập khẩu đối với các sản phẩm như viễn thông và linh kiện ô tô. Ông cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu được thúc đẩy bởi các ngành công nghiệp mới. Ngoài ra, chính quyền có kế hoạch phê duyệt một số hành lang công nghiệp trong vòng 100 ngày đầu tiên của chính phủ mới.

Mặt khác, chính quyền Ấn Độ cũng đang nỗ lực giải quyết sự chậm trễ trong việc cấp thị thực cho các nhà cung cấp và chuyên gia Trung Quốc, một vấn đề được các doanh nghiệp khuyến nghị để họ lắp đặt các máy móc thiết bị.

"Cần cấp thị thực ngắn hạn cho các kỹ thuật viên Trung Quốc vì chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy hoạt động sản xuất chế tạo của riêng mình", ông Singh nói thêm.

Tuy nhiên, còn nhiều thách thức với quốc gia tỷ dân trong hiện thực hóa mục tiêu này. Một báo cáo của Kotak Institutional Equities lưu ý rằng, Ấn Độ vẫn chưa đạt được mức tăng FDI đáng kể bất chấp các chiến lược và chính sách của nước này.

"Ấn Độ đã có những bước đi tích cực đáng kể trong 5 năm qua thông qua nhiều cải cách và biện pháp khuyến khích khác nhau, nhưng vẫn chưa thấy sự gia tăng đáng kể về đầu tư trong giai đoạn này", Kotak lưu ý.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết, vẫn đặt hy vọng vào một số lĩnh vực sẽ tăng tốc trong những năm tới.

Hà Anh (t/h)