7 kiểu mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp cần xây dựng, nhân rộng

17:29 09/11/2022

Để phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn vừa đưa ra 7 kiểu mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong nông nghiệp cần xây dựng, nhân rộng.

Ảnh minh họa
Hội nghị diễn đàn HTX nông nghiệp với chủ đề: Phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các HTX nông nghiệp.

Chiều ngày 9/11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết hợp với Hội Khoa học phát triển nông thôn Phano tổ chức Hội nghị diễn đàn HTX nông nghiệp với chủ đề: Phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các HTX nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn cho biết, quá trình thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ- CP của Chính phủ (Nghị định 98) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đã có 28/63 tỉnh phê duyệt dự án liên kết và 16/63 tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ liên kết; 13 sản phẩm chủ lực và 106 sản phẩm địa phương tham gia dự án liên kết.

Cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo quy định Nghị định 98 kể từ 2018 đến nay, chiếm 29,43% tổng số chuỗi liên kết với 1.250 HTX nông nghiệp tham gia. Trong đó, có 815 chuỗi liên kết từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm với 290 HTX nông nghiệp tham gia; 770 chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm với 361 HTX nông nghiệp tham gia; 367 chuỗi liên kết chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm với 208 HTX tham gia.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị định còn hạn chế như việc tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa tốt; nhiều địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; không tham mưu để Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế chính sách trên địa bàn.

Đồng thời, còn hạn chế về kinh phí hỗ trợ liên kết và tồn tại khó khăn trong việc tìm kiếm tư vấn hỗ trợ phát triển liên kết. Điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết cũng đang gây khó khăn bởi quy định yêu cầu doanh nghiệp phải liên kết ổn định 3 năm và với sản phẩm lâu năm là 5 năm. Quy trình, thủ tục hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, phức tạp. 

Ảnh minh họa
TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Để phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn, ông Thịnh nhấn mạnh cần xây dựng và nhân rộng 7 kiểu mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp.

Đó là mô hình HTX sản xuất và tham gia thị trường (sàn giao dịch); mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng CNC vào sản xuất; mô hình HTX đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

Cùng với đó là mô hình HTX ứng phó biến đổi khí hậu; mô hình HTX phát triển nông lâm thủy sản bền vững; mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi; thanh niên/ phụ nữ khởi nghiệp; mô hình doanh nghiệp/ HTX tham gia là thành viên HTX sản xuất chế biến nông lâm thủy sản.

Chia sẻ giải pháp cho HTX nông nghiệp tham gia kinh tế tuần hoàn tại hội nghị, ông Lê Trọng Hải, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách xây dựng nghị định kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, tiêu chuẩn, quy chuẩn kinh tế tuần hoàn. 

Ảnh minh họa
Mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP.

Xây dựng các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện, đánh giá các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng như các quy định, quy chuẩn về sản xuất, thương mại hóa và sử dụng các nguồn phụ phề phẩm nông nghiệp và sản phẩm chiết xuất từ phụ phế phẩm, các hướng dẫn thực hiện, lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi cho các dự án kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy giải pháp để HTX tham gia vào phát triển chuỗi nông sản chủ lực liên kết sản xuất theo chuỗi, tuần hoàn hiệu quả nguồn tài nguyên, thu gom, xử lý và sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.

HTX nên tham gia nghiên cứu thử nghiệm tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp cũng như tham gia chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, xây dựng chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tham gia vào tiến trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đầy đổi mới sáng tạo trong xử lý, chế biến phế phụ phẩm có giá trị gia tăng cao cũng là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động của HTX khi thực thi Nghị định 98.

Hoài Anh