15 quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới

00:00 12/10/2020

Trang tin tài chính 24/7 Wall St. xem xét hệ số Gini của 42 quốc gia từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) và xác định những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất.

Hệ số Gini đo lường bất bình đẳng thu nhập có giá trị từ 0 đến 1, trong đó, 0 biểu thị cho mức cân bằng tuyệt đối và 1 cho thấy sự bất bình đẳng tuyệt đối, nghĩa là một cá nhân nắm giữ tất cả tài sản.

Theo phân tích này, các quốc gia sau đây có tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo lớn nhất trên thế giới.

15. Latvia

- Hệ số Gini: 0,35

- Tỷ lệ thất nghiệp: 8,7%

- GDP bình quân đầu người: 23.710 USD

- Tỷ lệ nghèo: 16,8%

- Dân số: 1,9 triệu

Ảnh: EU-startups.com.

Hệ số Gini của Latvia đứng thứ 15 trong số 42 quốc gia thành viên OECD và các quốc gia liên kết. Trong tương lai, Latvia cần nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời, đối mặt với tình trạng dân số giảm. Năm nay, dân số tại quốc gia này giảm 0,9% so với năm ngoái. Dân số giảm có thể ảnh hưởng đến lực lượng lao động, cản trở tăng trưởng kinh tế.

14. New Zealand

- Hệ số Gini: 0,35

- Tỷ lệ thất nghiệp: 4,7%

- GDP bình quân đầu người: 35.777 USD

- Tỷ lệ nghèo: 10,9%

- Dân số: 4,8 triệu

Ảnh: The Independent.

Bất bình đẳng thu nhập tại New Zealand thuộc hàng cao nhất thế giới, bất chấp lực lượng lao động đông đảo. Hơn 70% người dân từ 15 tuổi tại đây tham gia vào quá trình lao động – tỷ lệ này cao thứ 2 trong số các quốc gia thành viên và quốc gia liên kết của OECD.

13. Anh

- Hệ số Gini: 0,35

- Tỷ lệ thất nghiệp: 4,3%

- GDP bình quân đầu người: 39.425 USD

- Tỷ lệ nghèo: 11,1%

- Dân số: 66 triệu

Ảnh: CNN.

Mặc dù Anh là một trong những quốc gia chênh lệch giàu nghèo cao nhất thế giới, nước này đang rất nỗ lực giảm bất bình đẳng. Các quốc gia có thể phân bổ lại tài sản bằng thuế thu nhập cá nhân, các khoản đóng góp an sinh xã hội hoặc trợ cấp. Chỉ số Gini của Anh sau khi trừ các cách phân bổ lại tài sản trên giảm hơn 30%, mức giảm lớn nhất trong danh sách này (Gini trước thuế và trợ cấp là 0,51).

12. Hàn Quốc

- Hệ số Gini: 0,36

- Tỷ lệ thất nghiệp: 3,7%

- GDP bình quân đầu người: 35.020 USD

- Tỷ lệ nghèo: 17,4%

- Dân số: 51,5 triệu

Ảnh: Unplash.

Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong số các quốc gia giàu có. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng thu nhập cao tại quốc gia này cho thấy thực tế rằng, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp, 17,4% người dân Hàn Quốc sống trong nghèo khổ.

Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền vào năm 2017, hứa hẹn cải cách kinh tế, bao gồm tăng 11% mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, hành động này hứng chịu nhiều chỉ trích. Trong khi các doanh nghiệp cho rằng, tăng lương tối thiểu kìm hãm sự tăng trưởng thì người lao động cho rằng ảnh hưởng gây ra không đủ lớn.

11. Nga

- Hệ số Gini: 0,38

- Tỷ lệ thất nghiệp: 5,2%

- GDP bình quân đầu người: 24.417 USD

- Tỷ lệ nghèo: Không có số liệu

- Dân số: 144,5 triệu

Ảnh: Study.EU.

Nga là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, tuy nhiên, phần lớn tài sản tập trung vào những người dẫn đầu, cho thấy sự không cân xứng trong tài sản quốc gia.

10. Lithuania

- Hệ số Gini: 0,38

- Tỷ lệ thất nghiệp: 7,1%

- GDP bình quân đầu người: 28.032 USD

- Tỷ lệ nghèo: 16,9%

- Dân số: 2,8 triệu

Ảnh: TripSavvy.

Trong những năm qua, dân số của Lithuania giảm hơn 1,4% - mức giảm lớn nhất từ trước đến nay trong các quốc gia thành viên và liên kết thuộc OECD. Suy giảm dân số có thể dẫn đến việc giảm lưc lượng lao động và hạn chế tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tại Lithuania, một quốc gia nhỏ với dân số chưa đến 3 triệu người. Mặt khác, nguồn lao động được đào tạo tốt là động lực phát triển kinh tế và Lithuania là quốc gia giữ tỷ lệ người dân đạt bằng cử nhân cao nhất tại OECD và các nước.

9. Mỹ

- Hệ số Gini: 0,39

- Tỷ lệ thất nghiệp: 4,4%

- GDP bình quân đầu người: 53.632 USD

- Tỷ lệ nghèo: 17,8%

- Dân số: 325,1 triệu

Ảnh: Unplash.

Mỹ có GDP bình quân đầu người lên đến 53.632 USD trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ 4,4%. Tuy nhiên, không phải người Mỹ nào cũng được hưởng những quyền lợi từ nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong số 325,1 triệu dân, ước tính 17,8% sống dưới ngưỡng nghèo. Thuế và phụ cấp tại Mỹ không phát huy tác dụng trong việc cân bằng thu nhập. Trong khi hệ số Gini tại hầu hết các quốc gia giảm hơn 30% sau thuế và phụ cấp thì tại Mỹ chỉ giảm khoảng 23% (Hệ số Gini trước thuế và phụ cấp là 0,51).

8. Thổ Nhĩ Kỳ

- Hệ số Gini: 0,4

- Tỷ lệ thất nghiệp: 10,8%

- GDP bình quân đầu người: 23.756 USD

- Tỷ lệ nghèo: 17,2%

- Dân số: 80,7 triệu

Ảnh: Pinterest.

Quốc gia này trải dài cả châu Âu và châu Á, bất bình đẳng thu nhập tại đây tệ nhất trong khu vực châu Âu và thứ 3 tại khu vực châu Á.

7. Chile

- Hệ số Gini: 0,45

- Tỷ lệ thất nghiệp: 7,0%

- GDP bình quân đầu người: 22.614 USD

- Tỷ lệ nghèo: 16,1%

- Dân số: 18,1 triệu

Ảnh: Time.

Chile là một trong những nền kinh tế phát triển nhất tại Nam Mỹ, bên cạnh đó, bất bình đẳng thu nhập tại đây cũng lớn nhất khu vực. Năm 2014, Chile thực hiện cải cách thuế nhằm giúp khắc phục vấn đề này.

6. Mexico

- Hệ số Gini: 0,46

- Tỷ lệ thất nghiệp: 3,4%

- GDP bình quân đầu người: 17.200 USD

- Tỷ lệ nghèo: 16,6%

- Dân số: 129,2 triệu

Ảnh: History.com.

Chỉ số Gini sau thuế và trợ cấp của Mexico chỉ giảm hơn 10%, mức cải thiện thấp trong danh sách này, chỉ sau Ấn Độ.

5. Brazil

- Hệ số Gini: 0,47

- Tỷ lệ thất nghiệp: 12,8%

- GDP bình quân đầu người: 14.098 USD

- Tỷ lệ nghèo: 20%

- Dân số: 209,3 triệu

Ảnh: The Telegraph.

Cuộc suy thoái năm 2015 – 2016 và các vụ bê bối, tham nhũng chính trị gây khó khăn cho nền kinh tế Brazil những năm gần đây. Hiện tại, cứ 5 người Brazil sẽ có một người sống dưới mức nghèo khổ và 4% dân số chỉ tồn tại với 3,2 USD/ ngày.

Jair Bolsonaro, Tổng thống mới của Brazil nhậm chức vào tháng 1, cam kết chấm dứt tham nhũng chính phủ, đồng thời, giảm sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.

4. Costa Rica

- Hệ số Gini: 0,48

- Tỷ lệ thất nghiệp: 8,1%

- GDP bình quân đầu người: 15.208 USD

- Tỷ lệ nghèo: 20,4%

- Dân số: 4,9%

Ảnh: Agoda.

Trước đây, Costa Rica chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, hiện tại, quốc gia này tập trung khai thác ngành dịch vụ. Mặc dù tăng trưởng kinh tế ổn định, tỷ lệ nghèo của Costa Rica ở mức từ 20% đến 25% trong 2 thập kỷ qua. Ngân sách quốc gia hạn hẹp làm giảm an toàn xã hội trong những năm gần đây và việc hạ xếp hạng tín nhiệm có thể khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại trong tương lai.

3. Ấn Độ

- Hệ số Gini: 0,5

- Tỷ lệ thất nghiệp: 2,6%

- GDP bình quân đầu người: 6.147 USD

- Tỷ lệ nghèo: Không có số liệu

- Dân số: 1,3 tỷ

Ảnh: Marriott.

Mức cải thiện sau thuế và trợ cấp tại Ấn Độ chỉ làm giảm 10% bất bình đẳng thu nhập, thấp nhất trong danh sách này. Một trở ngại lớn đối với quá trình bình đẳng thu nhập tại đây là văn hóa phân biệt đối xử với phụ nữ. Theo ước tính, chỉ khoảng 25% nữ giới tại Ấn Độ được quyền tham gia lực lượng lao động, trong khi đó, con số này đối với nam giới là 79%.

2. Trung Quốc

- Hệ số Gini: 0,51

- Tỷ lệ thất nghiệp: 4,4%

- GDP bình quân đầu người: 14.401 USD

- Tỷ lệ nghèo: Không có số liệu

- Dân số: 1,4 tỷ

Ảnh: TripSavvy.

Trung Quốc đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia bất bình đẳng thu nhập với hệ số Gini 0,51.

1. Nam Phi

- Hệ số Gini: 0,62

- Tỷ lệ thất nghiệp: 27,3%

- GDP bình quân đầu người: 12.287 USD

- Tỷ lệ nghèo: 26,6%

- Dân số: 56,7 triệu

Ảnh: CNN.

Bất bình đẳng thu nhập ở Nam Phi, phần lớn do các chính sách trước đây của chính phủ về phân biệt chủng tộc. Chính sách phân biệt người da đen với nhóm thiểu số người da trắng gây nên những bất lợi kinh tế và chính trị. Bên cạnh đó, các cuộc đình công và sự thiếu hụt kỹ năng cản trở triển vọng tăng trưởng kinh tế đất nước.

Châu Anh/ Theo USD Today