Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển cà phê Tây Nguyên và Đông Nam bộ

00:00 12/10/2020

Ngày 13/5, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và các đơn vị, doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết quý I/2016, dư nợ cho vay phát triển cà phê toàn quốc đạt khoảng 48.192 tỷ đồng, trong đó dư nợ tại 4 tỉnh trọng điểm sản xuất cà phê tại Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng) đạt 39.179 tỷ đồng (chiếm 81,29%) và các tỉnh Đông Nam bộ đạt 6.608 tỷ đồng (chiếm 13,71%). Nhìn chung, việc đầu tư vốn tín dụng đối với ngành cà phê đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ. Nguồn vốn tín dụng phục vụ tái canh cà phê bước đầu đã giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí ưu đãi phục vụ tái canh, phát triển bền vững cây cà phê.

Nhưng theo đại diện lãnh đạo các tỉnh, các doanh nghiệp thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong đầu tư tín dụng đối với ngành cà phê, nhất là việc giá cả biến động trong những năm gần đây. Trong khi sản xuất cà phê ở nước ta nói chung, 2 khu vực trên nói riêng còn manh mún, nhỏ lẻ và nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê lâm vào cảnh nợ xấu thì lãi suất tín dụng Nhà nước còn khá cao (8,55%/năm), chưa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất. Hơn nữa, quy trình trồng tái canh của Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) quy định thời gian khá dài (cải tạo đất ít nhất 2 năm và 3 năm sau khi trồng mới thu hoạch) gây ra không ít khó khăn cho người trồng cà phê.

Tại hội nghị, các đại đã đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan nghiên cứu, ban hành chính sách quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển cà phê bền vững, hợp lý, đồng bộ nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; đề nghị Bộ sớm sửa đổi quy trình tái canh cà phê cho phù hợp với quy mô nông hộ có diện tích nhỏ lẻ, điều kiện thực tế của từng địa phương; nghiên cứu ban hành quy trình tái canh cà phê theo phương pháp ghép cải tạo; hỗ trợ về giống, kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xây dựng thương hiệu và cung cấp thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận ý kiến, đề xuất của các đại biểu. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, xem xét và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền, đồng thời phối hợp với các bộ tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn liên quan đến chính sách tín dụng này. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân biết chương trình tín dụng tái canh cà phê; đối với ngân hàng cần xem xét, đơn giản thủ tục, điều kiện cho vay, hạ mức lãi suất vay xuống thấp hơn. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Trồng trọt có kế hoạch cụ thể hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đối với chương trình tái canh cà phê; tăng cường quản lý chất lượng giống, phân bón, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng cà phê…

Tin & ảnh: Lê Phước/baotainguyenmoitruong.vn