Nông dân chủ động vượt qua thách thức của hội nhập

00:00 12/10/2020

Mô hình kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã hình thành và không ngừng được mở rộng, phát triển trong thời gian qua. Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần giúp người dân phát huy được lợi thế so sánh, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Việc phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Thông qua phát triển kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn. Trang trại vịt trời của anh Nguyễn Đăng Cường là một điển hình của việc phát triển kinh tế trang trại giai đoạn hội nhập.

Đang làm việc ở một ngân hàng lớn tại Hà Nội, Nguyễn Đăng Cường (sinh năm 1979) đùng đùng bỏ về quê ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để nuôi…vịt trời. Nhiều người khi đó bảo anh là gàn dở. Từ chỗ chỉ nuôi mấy chục con, giờ anh Cường đã phát triển đàn vịt trời của mình lên tới 4 vạn con một lứa, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tham vọng của anh Cường là sẽ tiếp tục mở rộng trang trại với đàn vịt trời lên tới 1 triệu con mỗi năm và mỗi con chỉ cần lãi một đô la, Cường đã trở thành triệu phú đô la.

nguyen-quang-binh

Nguyễn Đăng Cường chủ trang trại 

Người nông dân này đã được tôn là “vua vịt trời” chinh phục vùng đầm lầy bỏ hoang khó cải tạo. Anh Cường cho biết, học hỏi kinh nghiệm nuôi vịt trời bền vững trên vùng đất khó cải tạo nên mới tự tin “dốc” hết vốn liếng, nhân lực để cải tạo và tổ chức sản xuất. Giờ đây, vùng này đã trở thành điểm chăn nuôi gia cầm trù phú bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh.Anh Cường cho biết: “Hiện toàn bộ quy trình chăn nuôi của chúng tôi đều khép kín, từ con giống cho tới thức ăn, môi trường đều kiểm soát chặt chẽ. Khi nâng được tổng đàn lên, giá bán sẽ hạ xuống và người dân sẽ được mua với giá rẻ hơn, để vịt trời không còn là món ăn của các vua chúa ngày xưa nữa mà được bình dân hóa”. Dù sản xuất kinh doanh đang là hướng đi mang lại kết quả cao, nhưng với nông dân Nguyễn Đăng Cường: đó mới là bắt đầu, đường dài còn ở phía trước. Việt Nam vừa đàm phán xong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và đã tham gia nhiều hiệp định thương mại khác, nông dân buộc phải chủ động tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi phía trước. Bản thân anh Cường thường ngày ngoài thời gian gắn với đàn vịt, còn lên internet đọc báo, cập nhật thông tin. Anh Cường nhận thấy TPP mở ra cơ hội rất lớn cho ngành chăn nuôi nước ta. Bởi thị trường Nhật Bản hiện là thị trường chính, bên cạnh đó còn nhiều thị trường khác, khi vào TPP, thuế bằng 0% sẽ là một bước tiến lớn cho nông dân. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội thì bản thân mỗi nông dân phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuyệt đối không để có chất kháng sinh vịt trời. Hiện trang trại của anh Cường được kiểm soát chặt dịch bệnh, môi trường nước, chất lượng con giống.

Nông dân như anh Nguyễn Đăng Cường là những hình ảnh của người nông dân thời đại mới. Họ không những kế thừa đức tính hay lam hay làm của cha ông, mà nông dân ngày nay còn chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh; biết tận dụng lợi thế khoa học công nghệ và internet để sản xuất và tìm kiếm thị trường. Tuy vậy, thách thức ở phía trước rất lớn khi nông nghiệp là lĩnh vực được đánh giá chịu nhiều rủi ro, thua thiệt nhất khi hội nhập sâu rộng. Về phía Nhà nước, rất cần có những chính sách đúng đắn, lâu dài và ổn định, làm sao cho người nông dân thuận tiện nhất trong việc tiếp cận chính sách đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật. Các cơ quan quản lý ứng xử với nông dân nên theo tư duy phục vụ, cùng có lợi. Các doanh nghiệp hãy hợp tác sòng phẳng với nông dân thay vì muốn giành lợi nhuận cho riêng mình; các nhà khoa học cũng cần có những sáng kiến thiết thực nhất giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều áp lực. Không ai khác, chính những nông dân như anh Nguyễn Đăng Cường là lực lượng tiên phong đối diện với những thách thức và góp phần hóa giải thách thức, biến cơ hội thành hiện thực. (PV.thực hiện)