Ngành Logistics ở Việt Nam: Đối diện nhiều thách thức

00:00 12/10/2020

Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam năm 2017 cho thấy, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô lớn chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn, còn lại hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

 

                                                              Dịch vụ logictics cảng biển

Tăng trưởng nhanh và ổn định nhất

Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Dịch vụ logistics trong những năm qua là từ 16 – 20%/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 16 – 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Đánh giá về thực trạng ngành logistics ở Việt Nam hiện nay, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết:

                                                   Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Logictics Việt Nam

Việt Nam có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành dịch vụ logistics. Trong đó khoảng 1.300 DN, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài. Có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Các DN Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo hải quan, giám định, kiểm nghiệm, bốc dỡ hàng hóa… Ngoài ra, có một số đơn vị đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế thông qua làm đại lý cho các DN nước ngoài. 

Về thị trường, khoảng 52% công ty cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam có quan hệ làm ăn với thị trường Hoa Kỳ, 47% với Liên minh châu Âu (EU), 63% với các nước ASEAN, 57% với thị trường Nhật Bản, 49% với thị trường Trung Quốc và 43% với thị trường Hàn Quốc.

Vẫn còn nhiều thách thức

Ngành dịch vụ Logistics là một ngành mới phát triển ở nước ta, có liên quan đa ngành. Hiện nay chi phí của dịch vụ Logistics ở nước ta còn cao (theo thống kê của World Bank năm 2014, tương đương 20% GDP). Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ của Hiệp Hội chi phí này chiếm khoảng 16.8% GDP của năm 2016, vẫn cao so với các nước trong khu vực (bình quân 14%). 

 

                                                              Dịch vụ logictics cảng sân bay

Ngành Logistics ở nước ta hiện còn có nhiều hạn chế và đang phải đối diện với không ít thách thức. Thống kê cho thấy, DN logistics nội chiếm hơn 80% tổng số DN kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng… Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách.

Điểm yếu của các DN logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp dịch vụ chưa cao. Mặc dù quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu liên kết, nhưng một số DN còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá dịch vụ để tranh giành hợp đồng, khiến các DN trong nước bị thiệt, còn các DN nước ngoài được hưởng lợi… Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế khác như về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với phương tiện sau cảng, chi phí vận tải đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt; chưa tận dụng được năng lực vận tải, tỷ lệ chạy hàng một chiều còn khá cao; …

Nguyên nhân dẫn đến các điểm yếu trên là do DN bị hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng CNTT cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. Chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao, chiếm trên 50% tổng chi phí logistics nội địa; Phụ phí tại cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu chủ hàng Việt Nam còn nhiều điểm vô lý, song chúng ta chưa thể chủ động trong mảng vận tải quốc tế; Tình trạnh ùn tắc tại cảng và giao thông đô thị làm cho thời gian vận tải kéo dài, đồng thời không tăng tần suất quay vòng vận tải; Quá trình thông quan hàng hóa kéo dài và tốn kém do yêu cầu kiểm tra chuyên ngành còn nhiều phức tạp; Chí phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển tăng do quy định thu phí tại một số địa phương; Chưa áp dụng sâu rộng công nghệ thông tin (ICT) vào quản trị Logistics nhằm giảm chi phí; Công tác quy hoạch hạ tầng logistics thiếu hiệu quả: quy hoạch cảng biển, cảng cạn (ICD), Trung tâm logistics, depot, bãi đậu xe tải - xe container, khu công nghiệp… Một nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu (khoảng 91%) xuất FOB và nhập CIF. Do đó, việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay là một yêu cầu cấp bách. 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics ngày 16/4 vừa qua, Thủ Tướng đã có chỉ đạo toàn hệ thống chính trị phải cùng chung tay, cùng đề ra và thực hiện các giải pháp kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, nhằm giảm chi phí logistics. 

 Vai trò của Hiệp hội trong việc kết nối các doanh nghiệp

 Khẳng định vai trò của Hiệp hội trong việc kết nối các doanh nghiệp logistics, với vai trò Chủ tịch, ông Lê Duy Hiệp nhận định:

 Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Hiệp hội đã đề ra tầm nhìn là: “Liên kết, hợp tác những nhà cung cung cấp dịch vụ giao nhận, vận tải, logistics trong và ngoài nước nhằm kiến tạo vai trò một ngành kinh tế cốt lõi của Việt Nam” với sứ mệnh “Nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển dịch vụ logistics hiện đại, kết nối logistics khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển doanh nghiệp trong Ngành cũng như phát triển kinh tế đất nước” với phương châm “Kết nối, Chuyên nghiệp Logistics”.

Các doanh nghiệp Logistics Việt Nam bước đầu cũng đã có những liên kết hợp tác nhất định như thành lập & tham gia Sàn giao dịch vận tải, Kho bãi… tuy nhiên chưa phổ biến và chưa tự nguyện.

Với phương châm “Kết nối và Hội nhập”, Hiệp hội tập trung vào các vấn đề chính là Phát triển E-logistics và dịch vụ 3PL, 4PL; Thúc đẩy thuê ngoài, kết nối với các hiệp hội chủ hàng chính; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao và hợp tác quốc tế.

Hiệp Hội đã có nhiều chương trình nhằm kết nối hội viên cũng như cộng đồng thông qua việc cập nhật các thông tin mới về ngành, tổ chức thường xuyên những hội nghị, hội thảo về các vấn đề bức xúc, như: cải cách thủ tục hải quan, công tác đào tạo nguồn nhân lực… để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong công tác Hải quan, đặc biệt là công tác đại lý hải quan... Cụ thể, Hiệp hội đã phối hợp với nhiều hiệp hội ngành nghề và cơ quan chức năng để tổ chức các hội thảo, như với Hiệp hội Dệt may Nha Trang (5/2017 và 11/2017), Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (11/2017), với Tổng cục Hải quan Việt Nam (9/2017),… nhằm tìm ra các giải pháp giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho DN, tạo điều kiện cho các DN kết nối, hợp tác trong kinh doanh; nâng cao nhận thức cho DN trong công tác hải quan...

 Hiệp hội cũng xác định vai trò rất quan trọng của mình trong việc kết nối các hội viên cũng như cộng đồng ngành dịch vụ logistics. Vì vậy, Hiệp Hội thường xuyên đề ra chương trình hành động, chủ yếu là tham gia thực hiện tốt Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017, của Thủ Tướng Chính Phủ về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Logistics Việt Nam đến năm 2025.

 Trong lĩnh vực kết nối, hợp tác quốc tế, Hiệp hội đã đẩy mạnh các hoạt động tổ chức kết nối thông qua các hội thảo quốc tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và PhnômPênh (Campuchia), Hội thảo vận tải xuyên quốc gia (CBT) giữa Việt Nam - Trung Quốc với các nước trong khu vực ASEAN. Tháng 8/2017, Hiệp hội đã ký kết Văn bản hợp tác với các Hiệp hội Logistics Quảng Đông, Hongkong (Trung Quốc) phát triển tuyến hành lang kết nối khu vực; Tháng 11/2017, Hiệp hội đã ký Văn bản hợp tác với Liên đoàn dịch vụ Logistics Hongkong ngay sau khi ASEAN và Hongkong ký Hiệp định thương mại tự do, nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực logistics hiện đại như e-commerce, B2B.

 Bước sang năm 2018, Hiệp hội sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế về CBT hàng năm tại TP Đà Nẵng nhằm phát triển thương mại và vận tải hàng hóa quá cảnh, liên kết Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong Chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng  (GMS) và ASEAN, Hiệp hội cũng đang tiến hành dự thảo văn bản hợp tác để sớm ký kết với Hiệp hội Logistics Indonesia và Hiệp hội Logistics Singapore mở đầu cho việc hợp tác khu vực của Hiệp hội AFFA, tạo điều kiện cho các DN logistics Việt Nam tìm kiếm cơ hội công việc trong khu vực./.

Nguyễn Mai (TheoTạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)