Ngành hàng FMCG Việt Nam có “Chuyển động nhanh”

00:00 12/10/2020

Theo số liệu nghiên cứu mới nhất của công ty Nielsen Việt Nam, Ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam (FMCG) thực sự đang “chuyển động nhanh". Dự đoán từ năm 2016 đến 2020 có mức tăng trưởng khoảng 4%. Tăng trưởng trên cả kỳ vọng Tuy nhiên, trong năm 2017 ngành hàng này đã tăng trưởng lên đến 6-7%. Riêng mảng dầu ăn mỗi năm tăng trưởng 6%, đạt khoảng 29.000 tỷ đồng, trong đó phân khúc dầu ăn và chất béo, dầu thực vật và dầu chiết xuất từ các loại hạt vẫn chiếm vị trí lớn nhất với hơn 90%. Thị trường kem, sữa, thực phẩm đông lạnh cũng đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2017, giá trị tương đương gần 18.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng của ngành hàng FMCG, trong khi mức tăng trưởng GDP toàn cầu từ năm 2016 đến năm 2020 được ước tính khoảng 3,1% mỗi năm. Cũng theo khảo sát của Nielsen thực hiện với các lãnh đạo doanh nghiệp, Việt Nam được xếp là một trong ba thị trường hàng đầu để mở rộng kinh doanh trong khu vực châu Á/TBD, cùng với Trung Quốc và Indonesia. Đồng thời, các doanh nghiệp nội địa lớn của Việt Nam cũng đang suy nghĩ về việc mở rộng kinh doanh ra khu vực và toàn cầu. Doanh nghiệp nào sẽ “bứt phá” Tại Việt Nam, trong những năm gần đây đã có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hoặc M&A nhằm chinh phục thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế. Điển hình là Tập đoàn Kido (KDC) đã chuyển đổi từ sản xuất bánh kẹo sang ngành hàng FMCG và đã gặt hái khá thành công. Chỉ trong vòng chưa tới 3 năm KDC đã hoàn tất sở hữu cổ phần tại TAC lên đến 75,44%; Tại Vocarimex 51%. Bên cạnh đó, mảng thực phẩm đông lạnh của Kido Foods (KDF) tiếp tục phát triển và doanh thu thuần ghi nhận mức tăng trưởng 7%. KDF tiếp tục là đơn vị dẫn đầu thị trường kem tại Việt Nam với thị phần tăng từ 38,1% năm 2016 lên 40,2% năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của KDF tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân tăng trưởng 14,7% của ngành. Tại đại hội cổ đông thường niên 2018, KDC đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2018 với những con số đầy ấn tượng: doanh thu dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 70%; Lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 40% so với năm 2017. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc cho biết, KDC đang tham vọng lớn vào ngành hàng có quy mô lên đến 250.000 tỷ đồng/năm, nên Vocarimex và KDC đang tiến hành thủ tục để mua lại 51% CP của Golden Hope (Vocarimex đang nắm 49% công ty này). Golden Hope có doanh số khoảng 1.600 tỷ đồng/năm nhưng Golden Hope được đánh giá đang hoạt động không hiệu quả. Theo như ông Nguyên chia sẻ, nếu Golden Hope “vào tay” KDC sẽ mang lại hiệu quả. Bởi ông Nguyên tin vào lợi thế hệ thống chuỗi cung ứng và thế mạnh quản trị của KDC. Ông khẳng định: Cũng như trường hợp TAC hoạt động không hiệu quả, nhưng khi về chung nhà với KDC, doanh thu và lợi nhuận đã tăng trưởng mạnh. Hiện thị phần dầu ăn của KDC đang chiếm trên 30% và đứng thứ hai thị trường sau khi M&A vào ba doanh nghiệp nói trên và KDC tự đầu tư sản xuất ra sản phẩm dầu ăn của riêng mình mang thương hiệu “Đại Gia Đình”. Ông Trần lệ Nguyên chia sẻ thêm: Sự phát triển của KDC không còn là riêng lẻ, mà tích hợp năng lực  để xây dựng nên giỏ hàng hóa phù hợp vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc mở rộng đa dạng hóa sản phẩm không thể tiến hành nhanh chóng như mong muốn. Vì sản xuất sản phẩm còn tùy thuộc vào sự liên kết với đối tác chiến lược hoặc liên kết với các đối tác  nhà sản xuất  OEM. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, nền kinh tế phát triển tốt kéo theo việc hình thành tầng lớp tiêu dùng mới, cụ thể là các khu vực thành thị tầng lớp tiêu dùng này có sự quan tâm cũng như có khả năng tham gia vào xu hướng tiêu dùng hiện đại. Điều này dẫn đến sự tăng lên ở sức mua và kéo theo mức độ chi tiêu của người tiêu dùng tăng theo. Và đây chính là xu hướng hình thành rõ ràng hơn trong 5 năm tới. H.Minh