Mái ấm làng Tre

00:00 12/10/2020

Trung tâm Nhân đạo Làng tre nằm ở giữa khu rừng hẻo lánh thuộc cầu Khỉ Khô, ấp Ông Quế, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai (Cách thị xã Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khoảng 110 km). Cái tên địa danh mới nghe thôi đã thấy khô cằn, hẻo lánh và khó khăn. Nơi đây có một Trung tâm nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, những trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, người nhim chất độc da cam… ở mọi miền của đất nước về sống chung trong một mái ấm mà mọi người thường hay gọi “Chùa Làng Tre” - Trung tâm Nhân đạo Làng tre trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

mai-am-lang-tre

mái ấm làng tre

  Năm 2006 Trong một chuyến công tác tại tỉnh Cao Bằng, tôi đã  gặp  đoàn Cán bộ và tình nguyện viên của  Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh thăm và tặng quà Tết cho đồng bào dân tộc ít người ở tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Tôi đặc biệt chú ý đến Sư Thầy Thích Chiếu Bổn. Một vị sư còn trẻ (sanh năm 1972), con người hiền lành, phúc hậu và hơi nhút nhát nhưng lại có cách nói chuyện dí dỏm. Các thành viên trong đoàn hay chọc ghẹo thầy cho vui để quên đi quãng đường dài từ Nam ra Bắc. Qua lần tiếp xúc đó và cho đến hôm nay là cả một thời gian dài (10 năm), được chứng kiến các chương trình hoạt động nhân đạo của thầy, tôi càng hiểu bên trong con người hiền lành đến nhút nhát ấy là tấm lòng nhân ái xuất phát từ tâm sáng và tình yêu thương con người. Dù nương mình nơi cửa Phật nhưng sư thầy không tách mình giữa đạo và đời. Sư Thầy Thích Chiếu Bổn tham gia hoạt động nhân đạo từ những năm 1997 khi còn theo học tại Trường Cao Trung Phật học Vĩnh Nghiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó vừa tu học vừa dành thời gian tham gia và trực tiếp tổ chức nhiều chuyến ủy lạo khắp mọi miền của đất nước. Đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, sư thầy luôn cảm thấy rất xót xa: Những gia đình có tới 3 thế hệ nhiễm chất độc da cam, người không ra người, sống trong đau đớn quằn quại, có những cụ ông, cụ bà không nơi nương tựa, có những đứa bé sinh ra không cha, không mẹ. Đến những vùng “rốn lũ” nước mênh mông, gặp bao cảnh thương tâm vợ mất chồng, mẹ mất con và những em bé mất cả cha lẫn mẹ, trên đầu vẫn còn chít khăn tang trắng, đâu đó nhấp nhô những mái nhà, những cánh tay yếu ớt vẫy vẫy và giơ ra nhận hàng cứu trợ, phải chèo xuồng ra mới tặng được quà… khó khăn chồng chất khó khăn.

ma-am-lang-tre

Sư Thầy Thích Chiếu Bổn cùng các em ở mái ấm

Có thể vận động tiền, vật chất giúp bà con 5 bữa, nửa tháng cho qua cơn hoạn nạn. Nhưng cái nghèo vẫn hoàn nghèo. Các cụ già biết nương tựa vào ai khi đã gọi từ “cô đơn”. Các cháu cô nhi bị bỏ rơi đặc biệt những đứa trẻ sanh ra khiếm khuyết bị cha mẹ từ chối, vất bỏ. Chúng sống ra sao? Sống thế nào? Chúng cũng là con người? Những hình ảnh đó, những câu hỏi đó đau đáu trong tâm can và thôi thúc vị sư trẻ phải làm gì đây? Làm như thế nào để có thể giúp những mảnh đời bất hạnh đó. Thầy thấy quặn lòng, xót xa. Và thầy ước nguyện lập một mái ấm tình thương để cho những mảnh đời đó được sống đầm ấm trong nghĩa tình của con người, có nơi nương tựa, chăm lo như bao con người khác trên cõi đời này. Năm 2006, Thầy Thích Chiếu Bổn quyết định về vùng đất tại cầu Khỉ Khô, thuộc xã Xuân Quế để bắt tay thực hiện tâm nguyện của mình: Lập một mái ấm tình thương cho những mảnh đời bất hạnh. Giữa vùng cao su, đất đỏ, trời nắng bám bụi, trời mưa sình lầy, không điện, không nước, cùng với 20 đệ tử theo Thầy từ thuở hàn vi hàng chục năm nay, đứa nhà nghèo, đứa không cha, không mẹ, đứa lang thang bụi đời, Thầy dựng vài cái lều tạm bợ. Nắng oi ả như đốt cháy da, những cơn mưa xối xả, gió bão làm rách nát đến tả tơi những tấm bạt, không biết đã bao nhiêu lần Thầy và các đệ tử xúm nhau cùng dựng lại lều bạt sau những cơn bão để tiếp tục sống, lao động và xây dựng, nuôi dưỡng ước mơ xây dựng một mái ấm tình người. Bốn năm qua đi, sự kiên trì, nhẫn nại, lòng quyết tâm của Sư thầy đã chiến thắng những năm tháng khắc nghiệt. Người ta thấy sư thầy lúc vác đá xây dựng, lúc lái xe máy húc, lúc lái xe ủi san lấp mặt bằng, lúc lại thấy lái xe tải chở cát, khoác chiếc áo nâu ướt sẫm mồ hôi, đầu đội nón lá chống chọi với cái nắng như thiêu đốt nhưng thầy vẫn miệt mài trên công trình. Cảm động trước việc làm của sư thầy, nhiều đoàn hoạt động xã hội đến thăm, chứng kiến cuộc sống của 168 con người phải sống trong những căn nhà tre xuống cấp, mỗi khi giông lớn, mưa to mọi người lại dìu dắt nhau, ẵm bồng những đứa trẻ khuyết tật lên chánh điện để không bị ướt. Có người đã thực hiện cuốn phim “Mưa Làng Tre” - những thước phim chân thực làm rung động lòng người. Người giúp tiền, người giúp tấm lợp, lương thực, người đến công quả, xây dựng đã góp phần tạo dựng Trung tâm Nhân đạo Làng Tre. 6 khu nhà mới được hình thành sạch đẹp giải quyết nơi ăn, chỗ nghỉ cho các thành viên của Trung tâm. Khu dành cho người già, người bại não, trẻ sơ sinh, trẻ cô nhi, người tâm thần nhẹ, người khuyết tật. Thầy cũng đã cho xây dựng hoàn thiện các công trình nhà ở, bếp ăn, trạm y tế, khu dạy nghề, hướng nghiệp, khu vệ sinh, nhà kho, căn tin... Sự cống hiến bằng nghị lực, bằng tấm lòng từ bi và đức độ của thầy đã tỏa hơi ấm để những phận đời éo le ở các vùng miền tìm về nương nhờ ông sư trẻ. Từ con số 20 người, đến nay Trung tâm đã có 215 người, 215 hoàn cảnh khác nhau nhưng chung một niềm đau khổ, họ nương tựa vào nhau để sống, người khỏe giúp người yếu, người lớn chăm sóc trẻ nhỏ, người trẻ chăm sóc người già. Mỗi người một việc, người khuyết tật lao động bằng sự khéo léo của đôi bàn tay, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ góp sức cùng với ông thầy chăm lo cuộc sống cho mọi người. Họ đùm bọc yêu thương nhau như một gia đình lớn. Để có thể chăm sóc và nuôi dưỡng những con người kém may mắn đó, Sư thầy luôn tìm tòi, nghĩ ra nhiều việc làm để hướng nghiệp cho các em còn có khả năng lao động như: sửa xe, làm bình hoa cườm, bình hoa bằng nút áo, những sản phẩm bằng tre như câu đối, bình hoa phước lộc thọ, làm măng chua, mua bán xe ô tô, thành lập Công ty san lấp mặt bằng, mở cửa hàng bán phụ tùng xe, sản xuất đũa, tăm tre… Ngoài ra, sư thầy còn tổ chức cứu trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, Lạng Sơn; giúp bà con vùng lũ ở các tỉnh Quảng Trị, Huế, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tham gia làm nhà Chữ thập đỏ ở Bình Thuận, Đồng Nai, tổ chức tặng quà Trung thu cho thiếu nhi ở Đồng Nai, Bình Dương; Tặng quà tết cho người nghèo; giúp Trường Sa; giúp bệnh nhân nghèo mổ tim… với tổng số quyên góp ủng hộ mỗi năm vài trăm triệu đồng. Đến thăm Trung tâm Nhân đạo Làng Tre mọi người đều cảm động khi được thăm các cụ, các cháu và tận mắt chứng kiến việc làm của sư thầy:  Trong câu chuyện thầy bộc bạch: “Mọi người tìm đến với tôi đều có hoàn cảnh thương tâm, tôi không thể không nhận. Nhưng sức có hạn, nhiều đêm tôi không sao ngủ được, nghe có việc gì có thể làm ra tiền tôi đều tìm tòi, học hỏi, suy nghĩ cách làm để có tiền lo cho Trung tâm. Có lẽ tôi sanh ra trái tim tôi luôn hòa quyện cùng nhịp đập với trẻ khuyết tật, nạn nhân da cam, những số phận trong dòng đời nghiệt ngã. Nhìn các em hoằn hoại thể xác và tinh thần tôi không khỏi chạnh lòng đau, trái tim tôi luôn thổn thức, tôi coi tính mạng họ như của mình, khi thấy họ đau đớn, tôi cũng thấy đau, thấy họ khổ tôi không sao chịu nổi. Nhưng cũng may mắn cho tôi, bên cạnh tôi luôn có những tấm lòng của các bậc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các vị ân nhân động viên, trợ giúp tôi về tinh thần cũng như vật chất, tiếp sức thêm cho tôi thêm nghị lực để làm tròn trách nhiệm đối với những người kém may mắn”.

Tâm sự với sư thầy về những bí quyết của sự thành công, thầy trầm ngâm, suy tư hồi lâu mới nói: “Thực tình tôi cũng chẳng có bí quyết gì, có lẽ chỉ có tình thương của con người đối với con người mới giúp tôi vượt qua được chính mình. Trong quá trình thành lập và xây dựng Trung tâm, tôi gặp không ít khó khăn, do tôi làm từ thiện đã nhiều năm nên nhiều người khó khăn, hoạn nạn tìm gặp xin được cưu mang, giúp đỡ. Lúc đó chính quyền địa phương không cấp giấy phép để thành lập, họ đòi hỏi đủ thứ, hạch sách đủ điều. Có người thấy tôi còn trẻ thì hoài nghi: “Liệu tôi có làm nổi không?”… Trời Phật như thử sức tôi, cả ngày dãi nắng dầm mưa mệt nhoài, đêm đến thấy buồn tủi vì chính quyền địa phương không ủng hộ, tiền bạc không có. Quanh tôi chỉ có những con người đau khổ và bất hạnh. Nhiều đêm nước mắt cứ chảy ròng vì mọi người chưa thông cảm và chia sẻ với tôi. Đã có lúc tôi quyết định bàn giao lại nếu chính quyền yêu cầu, tôi lên núi lập cóc tu cho khỏe tấm thân. Nhưng sự kiên nhẫn, lòng vị tha, tình thương, trách nhiệm và sự năng động sáng tạo trong lao động đã giúp tôi trụ vững để bao bọc và chở che cho những mảnh đời khốn khó, kém may mắn”. Một vị sư trẻ cởi mở, chân tình, giàu lòng nhân hậu đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng mọi người. Việc làm của sư thầy là nghĩa cử cao đẹp đang tô thắm thêm truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, sư thầy đã nêu gương sáng về mục đích: Tốt đạo, đẹp đời, đáng được xã hội ngợi ca và tôn vinh.

[box]Mọi đóng góp, ủng hộ, tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân xin gửi về: Trung tâm Nhân đạo Làng Tre. Địa chỉ: Khu vực cầu Khỉ Khô, ấp 1, Xuân Quế, Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Số điện thoại: 0977 329 969 -- 0937 144 249 Số tài khoản: 0500 1649 6976 Ngân hàng Sacombank, Chi nhánh Long Khánh, Đồng Nai.[/box]

Chương trình văn nghệ đặc biệt : Kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (2006 – 2016) và Tri ân Tấm lòng vàng với chủ đề: "Trái tim nhân ái",  được truyền hình trực tiếp trên kênh Quốc Hội, vào lúc 20g - 22g00 ngày 10/9/2016 tại Nhà hát Lan Anh, 291 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 TPHCM.

to-chuc-10-nam-thanh-lap-lang-tre-va-tri-an-nhung-tam-long-nhan-ai

Tuệ Minh