Kinh tế tuần hoàn: Cần chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng thúc đẩy

00:00 12/10/2020

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khuyến nghị trước mắt cần ưu tiên xử lý rác thải, phụ phẩm thành các nguyên nhiên liệu sản xuất hoặc sản phẩm hữu ích.

Chia sẻ tại Hội thảo về thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn diễn ra chiều 21/9 tại Hải Phòng, bà Bùi Thu Hương, Trưởng bộ phận doanh nghiệp bền vững và truyền thông của Công ty Unilever Việt Nam cho hay, đối phó với rác thải nhựa là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở phạm vi toàn cầu, với con số thống kê gần đây cho thấy mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. 

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan về sản xuất tuần hoàn (Ảnh: Hồng Quang) 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức người dân trong nước về phân loại rác còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiết bị phân loại rác ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, trong khi thể chế chính sách chưa phù hợp để mời gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong tái chế rác thải.

Thực tế trên đặt ra những thách thức lớn đối với Unilever khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua áp dụng công nghệ tái chế rác thải, bà Hương nói.

Tại Việt Nam, Unilever đang triển khai mô hình tái chế rác thải nhựa thành để làm bao bì nhựa, pallet (kệ hàng) và vật liệu xây dựng, hoặc để tạo điện năng.

Để giải quyết các thách thức, Unilever hướng đến thiết lập chuỗi cung ứng huy động sự tham gia của các bên thông qua việc hỗ trợ người dân phân loại rác ngay tại hộ gia đình; hỗ trợ các công ty thu gom rác về thiết bị phân loại, tách túi nilon và chai lọ nhựa trước khi đưa rác đi xử lý; và phối hợp với các nhà tái chế.

Theo ông Taco Zantinge, Trưởng bộ phận chuỗi cung ứng của Công ty bia Heineken, việc xây dựng liên kết giữa nhà sản xuất, đối tác và người tiêu dùng rất cần thiết trong mô hình sản xuất tuần hoàn.

Đơn cử ở lĩnh vực sản xuất bia, thay vì đem bã men bia đi chôn lấp như trước, các nhà sản xuất bia như Heineken có thể tìm kiếm, hợp tác với những nông hộ lớn để cung cấp bã men bia làm thức ăn chăn nuôi, hoặc liên kết với các công ty thực phẩm để làm các loại bánh, phô mai…

Đối với tái chế chai vỏ, Heineken hợp tác với các công ty sản xuất thủy tinh để đảm bảo 100 chai thủy tinh được tái chế, ông Zantinge nói.

Nhiều đại biểu khác cho rằng, bên cạnh vai trò tiên phong của doanh nghiệp, cần sự tham gia tích cực của phía chính quyền và người dân trong thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn mà trước mắt là ưu tiên tái chế rác thải.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, kinh tế tuần hoàn là khái niệm mới và Hải Phòng đang nghiên cứu tiếp cận theo hướng sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm rác thải công nghiệp. 

 

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng (Ảnh: Hồng Quang)

Theo đó, Hải Phòng sẽ tiếp cận theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ sản xuất mới để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu sản xuất mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đến nay, đã có doanh nghiệp đề xuất, xin chủ trương của thành phố để triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải trong Khu công nghiệp Đình Vũ thành điện năng.

Nhận định về hướng tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, việc tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn cần xem xét đánh giá cẩn thận các tác động của hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế tới môi trường.

 Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Hồng Quang) 

Theo Đại sứ Akkerman, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự tham gia từ phía chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Song song với nỗ lực tạo lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, cần phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường và lợi ích của người dân.

Bà Akkerman nhấn mạnh, đối với người dân - những người sử dụng các sản phẩm hàng hóa, điều quan trọng là phải sử dụng sản phẩm một cách tối ưu nhất và tránh sử dụng lãng phí.

Hồng Quang