Khi doanh nghiệp “ba cùng…” với nông dân

00:00 12/10/2020

Một ngày mới của Doanh nhân Chu Văn Hồi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Nông lâm sản, thực phẩm Đông Nam Á bắt đầu từ 3 giờ sáng. Đó cũng là thời điểm Công ty nhộn nhịp chuẩn bị các mặt hàng để cung cấp cho các khách hàng trên địa bàn Hà Nội. Mấy năm qua, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn giữa Công ty Đông Nam Á với các hộ nông dân trên địa bàn phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã giúp người dân mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập ngay trên mảnh đất của mình. Tôi từng bị người thân bảo “cho sang Trâu Quỳ…” Nói về quyết định đầu tư cho sản xuất rau an toàn (RAT), ông Hồi cười vui bảo: Vì quyết định này mà năm 2009, người thân tôi phát hoảng với quyết định được cho là không tưởng của tôi và còn bảo: “đầu tư như thế này thì cho ông sang Trâu Quỳ…”. “Điều này đồng nghĩa với bảo tôi …điên” - ông Hồi lý giải tiếp. Họ lo cũng đúng bởi vì đầu tư vào nông nghiệp chính là chấp nhận rủi ro, là đánh bạc với trời đất, là công sức, mồ hôi trí tuệ bị cuốn đi có khi chỉ sau một cơn mưa lớn. Bên cạnh đó, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thường thấp, lâu thu hồi vốn. Quyết định đầu tư làm rau an toàn của TGĐ Chu Văn Hồi chịu nhiều sức ép từ gia đình, bạn bè. Ông cười nói: “Ngay cả chính quyền sở tại và nhiều người tưởng tôi ra mua đất kinh doanh bất động sản chứ không ai nghĩ làm nông nghiệp”. Chính thức đi vào hoạt động năm 2005, theo ông Hồi, Công ty cổ phần XNK Nông lâm sản, thực phẩm Đông Nam Á thực tế lúc đầu làm xuất nhập khẩu là chính. Năm 2008, biến động kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng đến XNK nên ông Hồi quyết định chuyển hướng đầu tư làm RAT. Với kiến thức sâu, rộng về nông nghiệp sau nhiều năm công tác trong ngành, ông Chu Văn Hồi nhận thấy, tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vùng bãi sông Hồng trù phú thuộc địa bàn quận Hoàng Mai là rất lớn. Bên cạnh đó, năm 2013, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt Quy hoạch sản xuất nông nghiệp vùng bãi sông Hồng giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng RAT là 131 ha. Một thuận lợi nữa cho Công ty và nông dân là vùng rau an toàn phường Lĩnh Nam đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Hà Nội đầu tư xây dựng hạ tầng với hệ thống nhà lưới, cột bê-tông, kênh mương thủy lợi và hệ thống nước tưới hiện đại. Khi chuyển hướng sản xuất RAT, TGĐ Chu Văn Hồi xác định có sự hỗ trợ đắc lực của cơ chế, chính sách khi Nhà nước đang ra sức kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Mặt khác, vốn là con nhà nông, quê đất lúa Thái Bình, rất yêu nông nghiệp và thấu hiểu những vất vả, một nắng hai sương của người nông dân trên cánh đồng, ông muốn mở ra một hướng mới cho người dân nơi đây để cải thiện thu nhập. Ông cũng rất lạc quan khi nói về hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai. Một nước nông nghiệp thì không thể bỏ nông nghiệp được mà phải có sự đầu tư để phát triển xứng tầm. Sản phẩm nông nghiệp phải đưa lại sức khỏe cho người tiêu dùng. “Ba cùng…” với người dân Bước vào trụ sở Công ty, đập vào mắt chúng tôi ngay ở bên dưới biển hiệu Công ty là dòng chữ “ba cùng…” của TGĐ Chu Văn Hồi: “1 – Cùng dân làm thị trường; 2- Cùng dân tổ chức sản xuất; 3- Cùng dân làm giàu”. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà là những công việc cụ thể mà Công ty Đông Nam Á đang thực hiện hàng ngày cùng người dân trên địa bàn phường Lĩnh Nam – ông Chu Văn Hồi khẳng định. Đầu những năm 2000, hầu hết nông dân khu vực này vẫn canh tác theo truyền thống, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến và sử dụng các loại giống mới, nên sản phẩm rau, củ, quả sau thu hoạch rất khó tiêu thụ và có giá trị thấp. Nhớ lại những ngày đầu bước vào làm rau an toàn, ông Hồi cho biết: tôi xác định đầu tư cho nông nghiệp là phải làm bài bản, đúng quy trình, đúng lý tưởng đưa ra thì trước sau nhất định sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Khi mới thành lập Công ty, ngoài chuyên môn thì mỗi cán bộ của Công ty còn phải làm công tác dân vận giỏi. Có như thế mới gắn bó, hiểu tâm tư, tình cảm, mong muốn của người dân. Để gắn kết các thành viên làm RAT, ông Hồi quyết định thành lập “Hội Những người sản xuất rau an toàn phường Lĩnh Nam” và cử Thạc sỹ, Phó TGĐ Nguyễn Văn Dũng phụ trách Hội. Hiện nay, Hội đã có gần 100 thành viên và ký hợp đồng sản xuất với Công ty Đông Nam Á trong thời gian 5 năm. Sau khi thành lập Hội rồi phải tìm hiểu thói quen, truyền thống, kinh nghiệm sản xuất của người dân trên địa bàn, sau đó mới đi làm thị trường, phân tích thị trường. Công ty và bà con trao đổi thẳng thắn nên sản xuất hàng gì, có cần chuyển đổi không, nếu chuyển đổi Công ty sẽ hỗ trợ bà con như thế nào. Tất cả đều thống nhất xác định: Phải làm sản phẩm thị trường cần chứ không phải cung cấp sản phẩm mình có. Theo đó, Công ty Đông Nam Á ký hợp đồng cung cấp giống, giám sát kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm rau củ quả an toàn cho gần 100 hộ nông dân tại phường Lĩnh Nam với diện tích 61 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để định hướng nông dân sản xuất những chủng loại rau, củ theo nhu cầu của thị trường, Công ty cũng phải làm công tác khuyến nông: xây dựng mô hình trình diễn, cầm tay chỉ việc hướng dẫn cho bà con. Chẳng hạn như mô hình trồng cà chua, bí xanh, rau muống giòn…Đồng thời với nhiều loại giống mới, Công ty đã hỗ trợ miễn phí giống và cử cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nông dân từ khâu gieo trồng, chăm bón, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... theo đúng quy trình sản xuất RAT. Cho dù thị trường lên xuống thế nào thì Công ty vẫn bao tiêu toàn bộ sản phẩm đã ký hợp đồng với giá thành đảm bảo người nông dân có lãi tối thiểu ở mức 20- 30%. Vào mùa mưa, Công ty đều chia sẻ rủi ro với bà con. Đặc biệt, với mục tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm an toàn theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, tháng 5/2015, Công ty đã đầu tư trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và được phép của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội thành lập Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Kỹ thuật nông nghiệp với nhiệm vụ hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất và kiểm soát sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Trung tâm biên chế 1 giám đốc có trình độ thạc sỹ nông nghiệp, 4 kỹ sư nông nghiệp và được trang bị đầy đủ thiết bị kiểm nghiệm... chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ và cùng người dân giám sát toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch, kiểm định chất lượng sau khi thu hoạch. Với mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho gần 100 hộ dân chuyên canh rau, củ, quả sạch trên địa bàn phường Lĩnh Nam, Công ty Đông Nam Á và các hộ dân đã từng bước khẳng định thương hiệu RAT Hoàng Mai. Hiện Công ty cung ứng sản phẩm cho trên 30 siêu thị; gần 100 bếp ăn tập thể, các trường tiểu học và mầm non của quận Hoàng Mai, quận Ba Đình, quận Nam Từ Liêm… và hàng nghìn hộ tiêu thụ lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội. Lượng rau, củ, quả mỗi ngày Công ty thu mua, sơ chế, chế biến đóng gói đưa ra thị trường từ 5 tấn đến 8 tấn. Sản phẩm của Công ty được tham gia vào 69 chuỗi thực phẩm an toàn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Ông Chu Văn Hồi - Tổng Giám đốc Công ty Đông Nam Á nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp có được hôm nay, ngoài sự đồng thuận của người dân còn có sự hỗ trợ rất tích cực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn quận Hoàng Mai đã góp phần động viên, cổ vũ rất lớn với doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn mà trực tiếp là Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội thường xuyên chỉ đạo, tổ chức tập huấn, đào tạo cho nông dân và đội ngũ công nhân Công ty. Box: Cách làm cụ thể của Công ty Đông Nam Á qua “ba cùng…” với bà con, tiếng nói của nông dân Lĩnh Nam về mô hình kết hợp với doanh nghiệp trong sản xuất rau an toàn, những trăn trở, những mong muốn đề xuất của doanh nghiệp khi đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tiếp tục được chúng tôi chuyển tải trong các số sau. Mời quý vị và các bạn chú ý theo dõi.