Kế hoạch thống trị thế giới của ông chủ Uniqlo

00:00 12/10/2020

Tadashi Yanai - tỷ phú doanh nhân Nhật Bản điển hình cho tấm gương tài năng, kiên định, đầy sáng tạo và chưa bao giờ biết biện minh cho những sai lầm.

doanh-nghiep-hoi-nhap

Thắng nhờ… rẻ

Giống như tên gọi, Fast-Retailing.Co do Tadashi Yanai điều hành phát triển như vũ bão trong lĩnh vực bán lẻ thời trang và thống lĩnh thị trường Nhật Bản, đánh bật các đại gia đáng gờm đã ra đời trước đó hàng chục năm. Nếu chỉ nhìn vào tiếng tăm hiện nay của Công ty Fast-Retailing khó ai có thể hình dung thực chất vốn chỉ là một cửa hàng gia đình chuyên kinh doanh quần áo cũ tại Yamaguchi, một vùng quê hẻo lánh của nước Nhật. Được thành lập từ năm 1963, khởi nghiệp kinh doanh ban đầu rất khó khăn nên mọi việc do bố của Yanai điều hành. Mãi đến năm 1968, dưới sự quản lý và điều hành trực tiếp của Tadashi Yanai, Fast-Retailing đã chuyển mình và lật sang trang mới. Năm 1984, ông mở cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Hiroshima. Cái tên Uniqlo mang ý nghĩa "unique clothing", ngụ ý cửa hàng bán những sản phẩm quần áo độc nhất. Chỉ trong vòng 10 năm sau đó ông đã có khoảng 100 cửa hàng Uniqlo trên khắp Nhật Bản. Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, ông đã thề sẽ biến chuỗi cửa hàng này thành nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Đến tháng 12/2008, Yanai đã có gần 840 cửa hàng Uniqlo trên toàn thế giới. Trong đó, số lượng cửa hàng ở nước ngoài là khoảng 70, trải dài từ Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Trong năm 2009, ông mở được thêm khoảng 30 cửa hàng bên ngoài biên giới Nhật Bản. Có thể nói các sản phẩm của Fast - Retailing có mặt tại hầu hết các tỉnh và thành phố.

Ngược lại thời gian năm 1968, trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang Nhật Bản lúc bấy giờ đang suy thoái vì giá thành thiếu tính cạnh tranh, thì Fast-Retailing vẫn tăng trưởng ổn định và trở thành một trong những dây chuyền sản xuất quần áo lớn nhất. Với tham vọng thâu tóm quyền lực trong ngành công nghiệp may mặc, Tadashi Yanai đã đưa ra chiến lược chính yếu là cạnh tranh bằng giá cả. Chính vì chính sách này mà Fast-Retailing đã gây nhiều trở ngại hoang mang cho các đối thủ. Thậm chí, ông còn bị các nhà lãnh đạo lên tiếng vì cho là gây ra tình trạng giảm phát trong ngành công nghiệp này. Nhưng đối với Yanai, doanh nhân tuổi lục tuần này, lại rất phấn khích với danh tiếng "không đối thủ" trong ngành thời trang cạnh tranh đầy khốc liệt đó. Bí quyết của Yanai là bán những trang phục may sẵn cho mọi lứa tuổi và giới tính, không ngại cạnh tranh để tạo ra các sản phẩm đạt yêu cầu và đáp ứng thị hiếu của khách hàng. "Bạn cần sẵn sàng đón nhận những mất mát để điều khiển hoạt động kinh doanh một cách hợp lý. Và để có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã có những bước đi hoàn toàn khác biệt với các đồng nghiệp Nhật Bản", Tadashi Yanai khẳng định.

Cú lội ngược dòng ngoạn mục

Tốt nghiệp Đại học Waseda danh tiếng tại Tokyo năm 1971, với tấm bằng cử nhân khoa học chính trị, thế nhưng sự nghiệp của Tadashi Yanai hoàn toàn ngược lại ngành mà ông theo học. Khi còn là cậu sinh viên trẻ tuối, du lịch đã là niềm đam mê lớn nhất của ông. Cũng chính từ những chuyến đi này, ông đã biết cách xoay sở kiếm ra tiền cho bản thân và gia đình. Bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông là trong một chuyến du lịch đến Hồng Kông, Yanai đã sửng sốt đến khó tin trước những sản phẩm may mặc giá rẻ ở đây có xuất xứ từ Trung Quốc. Từ đây, ông nảy ra ý định sẽ phải làm điều gì đó tương tự. Phải làm cho được những sản phẩm có chi phí thấp và chất lượng thật cao. May mắn ông đã tìm ra được nguồn hàng và nhập khẩu trực tiếp từ các nhà máy Trung Quốc, chủ yếu là ở Quảng Đông và Thượng Hải. Sau đó Uniqlo đã được sản xuất tại Trung Quốc theo con mắt thận trọng của nhà quản trị Nhật Bản có kinh nghiệm trong dệt may và thiết kế. Ông tự tin: "Nó chắc chắn thu hút người tiêu dùng, những người đang kinh doanh các thương hiệu cao hơn xuống phân khúc thị trường cỡ vừa và những người tìm kiếm giá rẻ".

Hiện nay, tổng sản phẩm của Fast-Retailing hơn 90% là "Made in China", theo những hợp đồng gia công độc quyền và dĩ nhiên, người được hưởng quyền lợi trực tiếp chính là những khách hàng của ông. Yanai cho rằng nếu trước đây, Trung Quốc là thị trường hấp dẫn các công ty sản xuất ôtô, đồ điện tử gia dụng... của Nhật. Thì thời điểm này các đại gia Nhật Bản nên tập trung sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc nhưng không phải cung ứng cho thị trường này mà là để xuất khẩu ngược trở lại Nhật. Công thức này của Yanai dường như "phá vỡ" cấu trúc kinh tế của Nhật, vốn dựa trên một nguyên tắc đơn giản: nguyên liệu thô được nhập khẩu, sau đó sản xuất ra các sản phẩm tại Nhật chủ yếu là để xuất khẩu sang nước ngoài. Đặc biệt hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng khó có chỗ đứng tại chính thị trường Nhật, bởi văn hóa tiêu dùng của người Nhật cho rằng, họ yêu nước và phải thể hiện điều đó bằng cách ủng hộ hàng trong nước, cho dù giá cao hơn hàng hóa nhập khẩu.

Ngược lại với Yanai thì khác, người tiêu dùng Nhật Bản dường như rất rộng lượng với ông. Sản phẩm may mặc của Fast-Retailing rất được ưa chuộng tại Nhật. Mấu chốt của sự thành công này chính là ở chỗ ông đã chuyển nguồn lực sản xuất của Fast-Retailing ra nước ngoài, 90% nằm tại 60 công ty ở Trung Quốc và quản lý tổng cộng 85 nhà máy. Trong đó, nhà máy lớn nhất sử dụng tới 10.000 nhân công. Mỗi cơ sở gia công của ông có khoảng 1.000 công nhân viên và chỉ sản xuất một loại quần áo nhất định, nên chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm. Kết quả, thay vì người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra từ 30 đến 50USD để mua một chiếc áo khoác sản xuất tại Nhật, thì giờ đây họ đã có thể mua từ 2 - 4 chiếc áo của Fast-Retailing (chất lượng không kém sản phẩm của các hãng nổi tiếng) cũng với số tiền đó.

Rạng danh trên thế giới

Tài năng và thành đạt, có thể nói không một doanh nhân nổi tiếng nào trên thế giới mà không biết đến ông. Tuy trên ở đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc nhưng ông lại rất khiêm tốn khi chia sẻ về sự trải nghiệm của mình: "Trông tôi thành công như thế này nhưng thực ra cũng đã nhiều lần thất bại. Mọi người thường trầm trọng hóa các sai lầm nhưng bạn nên nhìn nhận thất bại theo một cách tích cực và tự tin rằng mình sẽ thành công trong lần tiếp theo". Ngoài ra, ông cũng rất nhẹ nhàng khi nói về niềm đam mê của mình trước các doanh nghiệp khác. Niềm tin của ông cho rằng, những người thành công chắc chắn sẽ không bao giờ biện minh cho những sai lầm mà phải biết sáng tạo trong sự kiên định vững vàng". Những điều này đã từng được chia sẻ trong cuốn tự truyện "Chín mất, một còn" xuất bản năm 2003 của ông.

Không chỉ thống lĩnh thị trường Nhật Bản, Tadashi Yanai luôn mong muốn đưa thương hiệu Uniqlo tấn công ồ ạt vào thị trường may mặc thế giới. Yanai tự tin đến mức ông cho rằng vào một ngày không xa, nhãn hiệu Uniqlo của ông sẽ có mặt trong các gia đình châu Âu, châu Mỹ, tương tự như Gap hay Marks &Spencer, những nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới hiện nay. Tuyên bố ấy của ông không phải không có căn cứ khi Fast-Retailing đã phủ rộng thêm tại thị trường Anh, Pháp, Mỹ. Mục tiêu gần nhất của ông là trong vòng 2 năm phải mở 50 cửa hàng thương hiệu Uniqlo tại Anh. Đây là một thử thách rất lớn đối với Tadashi Yanai, vì theo thông lệ, chưa có thương hiệu quần áo Nhật Bản nào phát triển và thành công được ở thị trường thế giới. "Chúng tôi sẽ có khách hàng, vì chúng tôi sẽ bán với giá rẻ hơn hàng của Gap ở London. Trong 10 năm nữa, chúng tôi sẽ trở thành nhà thầu cung cấp quần áo rẻ nhưng vẫn sang trọng lớn nhất thế giới và rất có thể chúng tôi sẽ lớn mạnh hơn cả Gap", Yanai quả quyết.

HUY PHẠM - Thế giới đàn ông