Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: Tin vui với doanh nghiệp, hộ kinh doanh

00:00 12/10/2020

Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc áp dụng một số chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với DN nhỏ và siêu nhỏ. Thông tin này đang được khối DN nhỏ và siêu nhỏ cũng như các hộ kinh doanh muốn “lớn” thành DN kỳ vọng và chờ đợi.

 Làm thủ tục hoàn thuế cho DN tại cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Ngân sách giảm thu 9.200 tỷ đồng

Đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra các mức giảm cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV) xuống mức 15 - 17% thay vì mức 20% như hiện nay. Theo đó, thuế suất 15% áp dụng đối với DNNVV có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng/năm và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng/năm và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người. Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với 2 trường hợp DN siêu nhỏ và nhỏ nêu trên được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Những hộ kinh doanh được áp dụng theo quy định này phải có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 12 tháng tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. "Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách Nhà nước nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách Nhà nước vào những năm sau"- Dự thảo đánh giá.

Doanh nghiệp hồ hởi, ngóng chờ
Trên các diễn đàn, đa số các DN hồ hởi và kỳ vọng vào đề xuất này. Theo ghi nhận ý kiến từ nhiều DN, việc giảm thuế chưa chắc đã khiến ngân sách giảm thu. Giảm thuế suất sẽ "khoan sức" cho DN, từ đó giúp khối này phát triển sản xuất, kinh doanh, theo đó, gia tăng đóng góp vào ngân sách. Ngoài ra, việc này cũng giúp DN nhỏ và siêu nhỏ giảm bớt nỗi lo chạy chi phí tránh thuế, tránh tâm lý tìm cách né thuế.

"Chúng tôi đánh giá cao những hành động hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng trong thời gian qua để tạo môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước dành cho bộ phận DNNVV, tạo niềm tin và kỳ vọng để thúc đẩy DN phát triển thực sự" - Giám đốc Công ty Luật Inteco Hà Huy Phong nói. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Trường cho rằng, việc giảm thuế với DNNVV cũng là thông lệ của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính sách này đã giúp các DNNVV ở các quốc gia trên phát triển tốt, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế.

Về phía các hộ kinh doanh, các chính sách ưu đãi thuế được đánh giá sẽ là “lực đẩy” giúp họ có thêm động lực “lớn” thành DN. Ông Nguyễn Hoàng - chủ một nhà hàng ở khu vực Hoàng Mai cho hay, lo ngại của nhà hàng hiện nay là thủ tục kế toán phức tạp, phát sinh thêm những chi phí cho việc thực hiện khi chuyển đổi thành DN. Tuy nhiên, muốn đón khách đoàn, khách tour, đa số đều phải yêu cầu pháp nhân là DN. Vì vậy, khi nghe thông tin về đề xuất ưu đãi thuế cho nhóm đối tượng DN mới thành lập, ông Hoàng đã cân nhắc việc chuyển thành lập DN để chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh thay vì là hộ kinh doanh cá thể như hiện nay.

Một chính sách thuế hợp lý vào thời điểm này là thực sự cần thiết với những DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế, đề xuất giảm thuế TNDN cho khối DN siêu nhỏ sẽ giúp DN thêm niềm tin, sau đó là tạo điều kiện tiếp sức cho DN phát triển. Giám đốc Công ty Luật Inteco Hà Huy Phong

Hà Lâm