Bảo tàng tiền tệ: Nơi giáo dục lịch sử dân tộc qua những đồng tiền cổ

00:00 12/10/2020

DNHN: Hơn 40 năm miệt mài với những đam mê sưu tầm tiền cổ, dày công xây dựng bảo tàng, người trí thức - doanh nhân – cựu chiến binh TS. Nguyễn Ngọc Khôi – Chủ tịch Bảo tàng Tiền tệ mong mỏi, Bảo tàng sẽ là nơi giáo dục lịch sử dân tộc cho các thế hệ trẻ, thấy được truyền thống và tinh thần của cha ông qua mỗi thời kỳ lịch sử, sự thịnh suy của mỗi vương triều… qua những đồng tiền cổ.

Mỗi nét chạm khắc, mỗi độ vuông tròn, mỗi độ nặng nhẹ… của đồng tiền cổ tưởng như vô tình, nhưng nó lại ngầm chứa đựng trong đó tư tưởng, thể hiện những bước đường phát triển giao thương của từng thời kỳ. Có giá trị hay không giá trị nó phụ thuộc phần lớn vào giá trị lịch sử của đồng tiền, gắn với từng thời đại phát triển của đồng tiền. Và bất kỳ đồng tiền đã qua sử dụng nào của Việt Nam hay của bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều phản ánh thịnh suy của nền kinh tế hay văn hóa giao thương của thời kỳ đồng tiền đó ra đời và có giá trị vô giá. Không phải ngẫu nhiên, đồng tiền thời Tây Sơn, ngoài yếu tố “tiền tệ” nó còn gắn với nghệ thuật quân sự…. Đồng tiền nhà Đinh, tuy hình thức có phần xù xì, đồng còn nhiều tạp chất nhưng nó lại chứa đựng hàm ý khẳng định chủ quyền đất nước – lần đầu tiên đất nước có tiền riêng của mình. Lịch sử cũng còn ghi lại, khoảng giữa thế kỷ 18, khi đặc phái viên của Công ty Đông Ấn (Pháp) đến Phú Xuân xin chúa Nguyễn cho lưu hành đồng bạc phương Tây, chúa đồng ý và bắt đóng dấu "thông bảo" trên từng đồng tiền ấy xem như đã xét duyệt… Đấy là lịch sử, là văn hóa, là giá trị vô giá và đấy cũng là mong muốn của TS. Nguyễn Ngọc Khôi đã hơn 40 năm miệt mài với những đam mê sưu tầm tiền cổ. Dày công xây dựng Bảo tàng, người trí thức - doanh nhân – cựu chiến binh ấy mong mỏi, bảo tàng sẽ là nơi giáo dục lịch sử dân tộc cho các thế hệ trẻ, thấy được truyền thống và tinh thần của cha ông qua mỗi thời kỳ lịch sử, sự thịnh suy của mỗi vương triều… qua những đồng tiền cổ. Bảo tàng Tiền tệ như một góc thu nhỏ qua các thời kỳ được tái hiện bằng những cổ vật. Hi vọng rằng cùng với hệ thống bảo tàng cả nước, Bảo tàng Tiền tệ sẽ góp phần tạo lên một bức tranh toàn diện, phản ánh đa chiều mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, qua đó giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống dân tộc. Xem huân, huy chương như báu vật Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận: TS. Nguyễn Ngọc Khôi đang giữ hai kỷ lục Việt Nam về số lượng huân - huy chương thời chiến tranh chống Mỹ nhiều nhất; và số lượng tiền cổ Việt Nam và tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam và thế giới.

Về bộ sưu tập huân - huy chương, ông nói: “Tôi là người lính giải phóng, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong chiến tranh có những huân - huy chương đã được trao tặng tận tay, đeo lên ngực các chiến sĩ. Nhưng cũng nhiều trường hợp, cấp trên chưa kịp trao thì người nhận đã hy sinh. Do đó, sau ngày giải phóng miền Nam, tôi đã lặn lội đi sưu tầm các loại huân - huy chương của Quân đội Nhân dân Việt Nam để lưu lại những di vật, hiện vật của đồng đội”. Bộ sưu tập hiện có gần 10.000 huân chương, huy chương, huy hiệu các loại, rất nhiều bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ diệt Mỹ... Ông tâm sự: “Đối với tôi, tất cả những huân, huy chương này đều là báu vật, vì đây là bằng chứng ghi nhận công lao hy sinh của đồng chí, đồng đội tôi, đã gắn bó với bản thân tôi và các đồng chí, đồng đội trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Ngoài các tiền cổ và huân huy chương các loại, hiện tại Bảo tàng còn có khoảng 500 chiếc nồi, chảo đồng các cỡ, một số có tuổi hơn 200 năm, có chiếc chảo lớn nghĩa quân Tây Sơn dùng khi ra Bắc đánh quân Thanh, nay đang được dùng để đựng toàn tiền cổ, tất cả đều được trưng bày tại Bảo tàng Tiền tệ Việt Nam để quan khách đến thăm quan và chiên ngưỡng Phạm Hà