Bài học cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ vụ VietFoods

00:00 12/10/2020

Sự cố xảy ra với Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Viet Foods) vừa qua là điều không mong muốn với chính Viet Foods cũng như những doanh nghiệp trong ngành. Nhìn lại và phân tích câu chuyện dưới góc nhìn pháp lý sẽ có nhiều điều cần lưu ý cho doanh nghiệp, qua đó, có thể tránh những điều không hay xảy ra trong tương lai. Dưới đây là những chia sẻ dưới góc nhìn pháp luật của luật sư Nguyễn Văn Đức, Công ty Luật Kinh Luân – người đại diện pháp lý cho Viet Foods.

y-tuong solution

Qua sự việc của Viet Foods, tôi muốn nhắn nhủ đến các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hãy chú trọng hơn nữa đến các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp, nhất là liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp không nên chủ quan, nghĩ rằng mình làm ăn chân chính, đúng pháp luật thì không gặp rắc rối.

Nắm rõ các vấn đề pháp lý sẽ giúp doanh nghiệp có lý lẽ bảo vệ mình trước cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố. Tuy vậy, xin cho phép tôi được đưa ra lời khuyên rằng tốt hơn hết hãy tìm đến sự trợ giúp của luật sư, những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp hiểu pháp lý để rõ rằng mình đúng thì cũng mới chỉ là “biết mình”. Để có thể làm việc sòng phẳng với cơ quan chức năng thì cần phải “biết người”, cụ thể biết rõ quyền hạn của họ đến đâu, việc họ làm đúng hay sai. Nếu sai, thì sai chỗ nào… Những điều này, luật sư là những người làm tốt nhất, bởi họ am hiểu pháp luật và có kinh nghiệm xử lý vụ việc.

Thử đặt câu hỏi, khi gặp sự cố trong lĩnh vực mình hoạt động, doanh nghiệp đã biết ai là luật sư phù hợp để tìm đến? Nếu không có câu trả lời, chứng tỏ bạn chưa có sự chuẩn bị thấu đáo trong việc phòng chống khủng hoảng. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam khi gặp sự cố mới tìm đến luật sư để được trợ giúp, đó là xử lý sự vụ khi đã xảy ra. Trong khi đó, công tác phòng ngừa rủi ro pháp lý của doanh nghiệp mới là khâu quan trọng nhất, nhưng lại ít được quan tâm.

Tại sao nên phòng trước như vậy? Hãy hình dung khi bạn gặp sự cố, hàng bị niêm phong, truyền thông đưa tin tiêu cực, từ sóng truyền hình, các trang báo, mạng xã hội tràn lan những thông tin thất thiệt, khách hàng gọi điện trả hàng… Với bối cảnh như vậy, thật khó tập trung để tìm một luật sư thích hợp, dẫu cho hiện nay có đông đảo luật sư hành nghề. Tìm được luật sư hiểu và nắm rõ vấn đề của doanh nghiệp trong thời gian ngắn ngủi (24 tiếng đồng hồ) không phải là chuyện đơn giản.

Trong sự cố vừa qua, ngay khi đội Quản lý thị trường (QLTT) 14 – Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TM Hùng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), tạm giữ hơn 2,2 tấn xúc xích do cơ sở Viet Foods (Bình Dương) sản xuất với lý do nghi vấn chứa chất cấm, nếu có mặt luật sư, có thể câu chuyện đã không bị Đội QLTT số 14 đẩy đi quá xa. Với một hồ sơ pháp lý đầy đủ như của Viet Foods, luật sư có thể đấu tranh, chỉ ra những việc làm không đúng của đội QLTT 14 thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả.

Điều nữa tôi muốn đề cập đó là cách làm việc với cơ quan truyền thông khi gặp khủng hoảng.

Khi doanh nghiệp khi bị các cơ quan truyền thông đưa tin phản ảnh không đúng, doanh nghiệp nên gửi ngay văn bản cảnh bảo đề nghị các cơ quan truyền thông cẩn trọng, kiểm tra lại thông tin trước khi đăng tải. Đồng thời gửi thông cáo báo chí đến truyền thông để nêu rõ vụ việc.

Động thái này vô cùng quan trọng. Nó sẽ nhắc các cơ quan truyền thông, những người chân chính, cẩn trọng hơn trong việc đưa tin và là cơ sở để khởi kiện về sau nếu các cơ quan truyền thông tiếp tục đưa thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đáng buồn trong sự cố vừa qua là việc đa phần các tờ báo đưa tin mà không kiểm tra lại với Viet Foods, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp trong câu chuyện này. Xin hãy lưu ý rằng, có không ít các trường hợp một số cơ quan nhà nước cung cấp thông tin thiếu chính xác và không đúng với thẩm quyền của mình.

Về việc bồi thường thiệt hại, nhiều người hỏi tôi, Viet Foods có định kiện Đội QLTT 14 – Chi cục QLTT Hà Nội hay không? Là người trong cuộc, tôi khẳng định Viet Foods hoàn toàn đủ cơ sở để kiện Đội QLTT số 14. Việc khởi kiện hay không tùy thuộc vào doanh nghiệp.

Hiện nay, thủ tục khởi kiện đòi bồi thường trong những trường hợp này khá nhiêu khê, nên có thể doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc. Nhưng dù có kiện hay không thì một điều cần khẳng định là cơ quan nhà nước đã làm sai, lẽ ra cần chủ động bồi thường cho doanh nghiệp hơn là đợi doanh nghiệp đi kiện.

Trong điều kiện đất nước đang hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chịu nhiều sức ép từ các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bằng các chính sách vĩ mô của Chính phủ mà quan trọng hơn là thái độ, nhận thức của cán bộ công chức nhà nước.

Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 chỉ thật sự hiệu quả khi mà mỗi cán bộ công chức thay đổi nhận thức, xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng để thanh kiểm tra.

Đức Tâm/TBKTSG

Khủng hoảng kiểu mới

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food

Có vẻ như ngày nay doanh nghiệp đang trong một giai đoạn mà khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra với chúng tôi bất cứ lúc nào. Đáng nói hơn, cái gốc của khủng hoảng lại đến từ cơ quan chức năng nhà nước.

Tôi cho rằng đây là một hình thức khủng hoảng kiểu mới mà doanh nghiệp, dù có làm tốt đến đâu cũng không thể phòng được.

Ngày 30-5, chúng tôi -  Công ty CP Sài Gòn Food - nhận được công văn số 1030-QLCL-CL1 từ Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiquad) cảnh báo về thông tin cá điêu hồng xuất khẩu vào thị trường Úc bị cảnh báo do nhiễm kháng sinh Enrofloxacine và đề nghị báo cáo giải trình.

Ngày 31-5, chúng tôi có công văn phản hồi Nafiqad khẳng định thông tin trên là không chính xác vì từ trước đến nay Sài Gòn Food chưa từng làm sản phẩm từ cá điêu hồng và đề nghị Nafiqad kiểm tra lại thông tin với phía Úc.

Trong khi sự việc còn đang chờ làm rõ thì không hiểu vì sao tối ngày 1-6, báo Nông nghiệp Việt Nam, trang online: www.nongnghiep.vn lại có được thông tin và đăng một bản tin “Cá diêu hồng xuất khẩu vào Úc của Sài Gòn Food bị cảnh báo”. Điều này gây nhiều bất lợi cho việc kinh doanh của chúng tôi.

Bản thân tôi cũng chỉ biết được thông tin này qua một tờ báo khác vào sáng ngày 2-6. Ngay trong ngày 2-6, chúng tôi đã gửi thông cáo báo chí phản bác thông tin mà Nafiqad đưa ra.

Dù có đôi chút bị động khi đáng lẽ chúng tôi phải biết tin từ ngày tối 1-6 lúc bản tin được đăng trên www.nongnghiep.vn nhưng nhìn lại, tôi cho rằng Sài Gòn Food đã xử lý khủng hoảng nhanh chóng.

Sau vụ này, tôi có nghe đến công cụ “lắng nghe mạng xã hội – social media listening”, một công cụ có thể giúp doanh nghiệp được cảnh báo ngay khi thông tin tiêu cực về mình. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý khủng hoảng.

Tuy vậy, xét cho cùng, đó cũng chỉ là biện pháp giúp doanh nghiệp “chống” chứ không thể “phòng” khủng hoảng được.

Để phòng ngừa khủng hoảng, điều doanh nghiệp có thể làm tốt nhất là đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng, quy trình bảo quản, vận chuyển phân phối an toàn. Nhưng đó chỉ mới là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại, để khủng hoảng kiểu mới như nêu trên không còn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp, chúng tôi mong cơ quan nhà nước cẩn trọng kiểm tra xác minh lại cùng doanh nghiệp để làm rõ trước khi đưa những thông tin nhạy cảm ra cơ quan truyền thông.

Đức Tâm ghi