YouTube bị đề nghị bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp nội dung số Sconnect

11:11 19/07/2024

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị nền tảng YouTube xem xét, xác minh kỹ vấn đề nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Cục PTTH&TTĐT đề nghị Google (YouTube) với vai trò là nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian xem xét, xác minh kỹ các vấn đề Sconnect.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị YouTube xác minh thông tin bản quyền và không 'đánh gậy' thiếu căn cứ video sói Wolfoo của Việt Nam.

Trong văn bản gửi đến Google, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá việc khiếu nại vi phạm bản quyền giữa công ty Việt Nam là Sconnect và hai Công ty eOne, Hasbro "có nhiều yếu tố phức tạp" và đang chờ kết luận của tòa án. Cơ quan này đề nghị nền tảng xem xét, xác minh kỹ vấn đề nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Sconnect là nhà sáng tạo nội dung Việt Nam, phát triển nhân vật hoạt hình sói Wolfoo nổi tiếng trên YouTube. Trong khi eOne là chủ sở hữu cũ của nhân vật hoạt hình lợn Peppa trước khi chuyển giao cho Hasbro từ tháng 9/2023.

Sconnect ra đời năm 2014, chuyên sản xuất video trên nền tảng xã hội. Hệ thống kênh YouTube liên quan đến Wolfoo của Sconnect hiện có hàng chục kênh, phát hành trên toàn cầu với 20 ngôn ngữ. Trong khi đó, Peppa Pig là nhân vật hoạt hình do họa sĩ nước Anh phát triển, ra đời từ 2004 và được phát sóng dưới dạng phim truyền hình trước khi được đưa lên nền tảng mạng xã hội.

Theo công văn của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT) từ tháng 11/2022, Cục đã có công văn gửi Google đề nghị xem xét, xác minh, giải quyết vụ việc khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ và Dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect) và Công ty Entertainment One UK Limited (EO) đối với các video về bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo trên nền tảng YouTube. Từ thời điểm đó đến nay, Cục PTTH&TTĐT tiếp tục nhận được các phản ánh của Sconnect về việc quyền sở hữu trí tuệ của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo vẫn đang bị EO xâm hại trên YouTube. 

Theo công văn của Cục PTTH&TTĐT, hiện toàn bộ nhãn hiệu và bản quyền liên quan đến bộ phim hoạt hình Peppa Pig đã được chuyển nhượng từ EO sang cho Hasbro Consumer Products Licensing Limited  (HCPL) theo một Thỏa thuận chuyển nhượng có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Tuy nhiên, Sconnect cho biết, từ ngày 1/9/2023 đến trước ngày 17/4/2024, EO vẫn tuyên bố là chủ sở hữu của nhãn hiệu và bản quyền liên quan đến Peppa Pig trong các khiếu nại gửi YouTube về việc các video hoạt hình Wolfoo vi phạm bản quyền của các video phim hoạt hình Peppa Pig để yêu cầu YouTube xóa gỡ các video Wolfoo. Do vậy, Sconnect cho rằng, EO có dấu hiệu không trung thực và lạm quyền trong quá trình báo cáo vi phạm bản quyền video Wolfoo với YouTube. Về phía YouTube, mặc dù Sconnect đã trao đổi thông tin với bộ phận bản quyền của YouTube (YouTube Copyright) về tình huống này, YouTube vẫn xóa gỡ các video Wolfoo theo yêu cầu của EO. 

Sau phản ánh của Sconnect, Cục PPTTH&TTĐT cho rằng, sự việc có nhiều yếu tố phức tạp, đề nghị Google "ngừng chấp thuận yêu cầu đánh gậy bản quyền video Wolfoo thiếu căn cứ, không đúng thẩm quyền", đồng thời, khôi phục các video và kênh YouTube của Sconnect đã bị xóa, khóa, chặn.

Cục PTTH&TTĐT  đề nghị Google phản hồi kết quả xử lý tới Cục trong thời gian sớm nhất.

Liên quan tới vụ tranh chấp bản quyền giữa Wolfoo và Peppa Pig, từ năm 2022 tới, Cục PTTH&TTĐT, Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Truyền thông số Việt Nam đã gửi văn bản tới Google và YouTube đề nghị nền tảng xuyên biên giới khôi phục lại các kênh, các video Wolfoo đã bị xóa, bị khóa, bị chặn đăng tải nội dung mới cho tới khi có phán quyết của các Tòa án tại Anh và Việt Nam, nơi hai bên đang khởi kiện lẫn nhau.

Sau khi các cơ quan chức năng của Việt Nam lên tiếng thì YouTube đã mở khóa hàng chục kênh YouTube bị khóa quyền upload trước đó, tuy nhiên hơn 4.000 video Wolfoo bị xóa thì chưa được khôi phục lại. Hiện nay, Sconnect đã gửi yêu cầu EO bồi thường thiệt hại do hành vi đánh gậy bản quyền vô căn cứ lên Tòa án ở Việt Nam và chuẩn bị tiến hành thủ tục yêu cầu phản tố tại Anh.

Google chưa bình luận về việc trên. Trong email phản hồi Sconnect vào tháng 3, nền tảng nói "không có vai trò hòa giải tranh chấp về quyền hoặc xác định quyền sở hữu bản quyền giữa các bên". YouTube khuyến khích các bên làm việc tại tòa án và sẽ căn cứ vào phán quyết để đưa ra giải pháp phù hợp. Các vụ kiện tại Anh và Việt Nam hiện vẫn chưa có kết quả.

Gậy bản quyền (Copyright strike) là thuật ngữ thông dụng trong lĩnh vực nội dung số, có ý nghĩa cảnh cáo vi phạm bản quyền của nền tảng YouTube khi chủ sở hữu bản quyền gửi yêu cầu YouTube gỡ bỏ/xoá nội dung vi phạm bản quyền. Về nguyên tắc, bên đánh gậy bản quyền (bên khiếu nại) phải cung cấp căn cứ hợp pháp về nội dung đã được bảo hộ bản quyền và thuộc sở hữu của mình.

Thu Hằng (T/h)

Tags: