Xuân về trên đất Cao Sơn

16:05 05/02/2024

Dự định đã lâu nhưng những ngày giáp Tết này chúng tôi mới có dịp ghé thăm khu biệt lập Cao Sơn. Mặc dù đã có nhiều trải nghiệm ở những vùng đất khác nhau nhưng Cao Sơn lại là một cảm xúc khác biệt, kỳ diệu.

Cao Sơn vào Tết cũng là mùa chín vàng của các loại cam, quýt
Cao Sơn vào Tết cũng là mùa chín vàng của các loại cam, quýt.

Cuộc sống mộc mạc, hoang sơ bên những cánh đào phai trong tiết trời êm dịu

Khu Cao Sơn (gồm 3 bản Son, Bá, Mười), xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá nằm tách biệt trên đỉnh núi nên được gọi là khu biệt lập và là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Cao Sơn cao 1.180 m so với mực nước biển, nằm trên đỉnh của dãy núi Pha Chiến và thuộc vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt đang mang đến cho Cao Sơn nhiều hoa thơm, trái ngọt
Khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt đang mang đến cho Cao Sơn nhiều hoa thơm, trái ngọt.

Do khí hậu mát mẻ quanh năm, mùa đông rất lạnh có hôm xuống tới 1 độ C, đất đai màu mỡ nên Cao Sơn có nhiều hoa thơm, trái ngọt. Những người đã từng đến, thường ví von mảnh đất này tựa như Đà Lạt hay SaPa của xứ Thanh. Điều thú vị là hoa đào, hoa dã quỳ nơi đây nở rực rỡ từ đầu mùa đông năm trước đến tận mùa hè năm sau. Nhà thơ Hà Nam Ninh từng viết “Hoa đào nở rực mùa đông/ Không tin anh thử lên Son mà tìm”. Vẻ đẹp khó cưỡng của đào phai 5 cánh khiến ai đã từng đến Cao Sơn những ngày cuối năm đều muốn mang về một cành chơi Tết.

Để vào được Son, Bá, Mười chỉ có hai con đường, một là đi từ tỉnh Hòa Bình, vượt “cổng trời” để sang. Hai là băng qua đỉnh Phà Hé. Trước năm 2016 đây chỉ là con đường rừng, muốn đi từ trung tâm xã lên đến Cao Sơn cũng phải mất nửa ngày cuốc bộ. Đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở nên nhiều người ở đây cả đời không ra khỏi bản, trong con mắt và suy nghĩ của họ, Cao Sơn là cả thế giới. Những người bắt buộc phải vượt đỉnh Phà Hé là các thầy giáo dưới xuôi lên đây dạy học. Cũng chính vì đi lại vất vả nên ngôi trường TH và THCS Cao Sơn ra đời gần 20 năm nhưng chưa từng có giáo viên nữ. 

Hồi đó, Cao Sơn nổi tiếng với rất “nhiều không”, không điện, không đường, không chợ, không sóng điện thoại, … . Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, rau quả xanh mướt nhưng bà con cũng không trồng nhiều vì chẳng biết mang đi đâu để bán.

Khi được nhà nước đầu tư làm con đường dài10km nối trung tâm xã Lũng Cao lên Cao Sơn, tiếp theo là điện lưới về tới bản, bà con bắt đầu nghĩ tới việc phát triển kinh tế, làm du lịch.

Đường lên Cao Sơn nhìn xa như sợi chỉ vắt ngang qua sườn núi
Đường lên Cao Sơn nhìn xa như sợi chỉ vắt ngang qua sườn núi.

Mặc dù đã được làm lại bằng bê tông nhưng con đường vốn rất ngoằn ngoèo, nhiều khúc cua tay áo nên phải những “tay lái lụa” mới dám đi. Chúng tôi không đủ bản lĩnh để lái xe nên nhờ những người bản địa chuyên chở hàng đưa lên. Ngồi sau xe, nhiều đoạn đường bé tẹo, một bên là núi cao ngất ngưởng, một bên là vực sâu thăm thẳm, chỉ cần sơ sẩy mất lái là toi mạng như chơi. Vì sợ hãi, tôi nhắm tịt mắt lại, ghì tay thật chặt vào hông người lái. Chốc chốc, tôi lại mở hé đôi mắt, nhổm mông, ghé sát vào tai bác tài và hỏi: “Anh ơi, đã hết đoạn đường nguy hiểm nhất chưa ạ”. Nắm được tâm lý của người ngồi phía sau, anh lái xe vừa đi vừa kể chuyện, rồi hỏi tôi và cười khanh khách. Tôi “vâng vâng dạ dạ” nhưng thật lòng không hề biết anh ấy nói gì. Tôi ù hết mang tai, hơi đâu nghe và nhập tâm câu chuyện của anh tài xế.

Vậy là sau một hành trình gian nan tôi và bạn đồng nghiệp đã lên đến đỉnh Cao Sơn. Cảm giác vui sướng ngất ngây, tôi thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ ở vùng đất có nhiều bí ẩn này mọi thứ đều trở nên đặc biệt với những người lần đầu tiên đặt chân đến. Chúng tôi hít hà bầu không khí tinh khiết và phóng tầm mắt ra xa, một Cao Sơn rực rỡ sắc màu dần hiện rõ.

Trước khi làm đường, từ trung tâm xã lên Cao Sơn mất chừng nửa ngày đi bộ
Trước khi làm đường, từ trung tâm xã lên Cao Sơn mất chừng nửa ngày đi bộ.

Khoảnh khắc hoàng hôn trên đỉnh Cao Sơn kỳ vĩ, ngọt ngào đến khó tả. Những vệt nắng cuối chiều dịu nhẹ phía chân trời đánh thức cảm xúc thi ca của nhiều tao nhân mặc khách. Những ngôi nhà sàn san sát được ôm ấp bởi làn sương khói mờ ảo, dưới chân ruộng bậc thang thấp thoáng bác nông dân đang làm dốn vài nhát cuốc. Trong vườn cam, quýt người mua kẻ bán tấp nập, hối hả cho kịp chuyến xe cuối ngày. Phía ngọn đồi xa tít những người khách nước ngoài đang leo núi, đi xe đạp và chơi trò chơi… Cao Sơn còn được điểm tô bởi vườn đào phai đang nở rộ, những sắc vàng tươi và đỏ thắm của các loài hoa. Chiều tà nơi đây đủ đầy và ấm áp vô cùng.

Bữa tối đầu tiên chúng tôi được thưởng thức những món ngon đặc sản của riêng vùng đất này như cơm nếp, thịt gà, canh đắng, sâu vương,… và ngất ngây với chén rượu ngô ngòn ngọt, cay cay.

Người Thái có nhiều trò chơi, sinh hoạt văn hoá cộng đồng
Người Thái có nhiều trò chơi, sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Cao Sơn hoang sơ là thế nhưng tình người vẫn đong đầy, trọn vẹn. Đồng bào dân tộc Thái trên đỉnh núi Pha Chiến vẫn luôn đoàn kết, sống đùm bọc, yêu thương nhau qua bao mùa sương gió. Với người nơi khác đến họ thân thiện, nồng hậu, chan chứa yêu thương. Cuộc sống mộc mạc, gần gũi khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở trong ngôi nhà của mình. 

Nhấp chén rượu ngô trong ngôi nhà sàn chứa đựng nhiều nét văn hoá đặc trưng của người Thái, trưởng bản Son, Ngân Văn Đức cho chúng tôi biết, cơm nếp chính là lương thực chính của họ. Những người cao tuổi nơi đây họ ăn cơm nếp quanh năm. Người Cao Sơn chỉ ăn chơi cơm tẻ, còn cơm nếp mới là lương thực chính. Nguyên nhân là do sống giữa núi rừng, ít đất canh tác, khí hậu lạnh khiến cho việc trồng trọt trở nên khó khăn. Hai cây lương thực chủ lực là lúa nếp và ngô nếp. Cho nên bữa cơm nào của người Thái Cao Sơn cũng có cơm nếp và rượu ngô.

Trời tối hẳn, trưởng bản vừa kể chuyện vừa rít thêm một điếu thuốc lào, đôi vợ chồng trẻ cười khúc khích khi trêu chọc nhau bằng tiếng Thái, những đứa trẻ ngây ngô, nước mũi dài đến cằm hớn hở cầm gói kẹo của người lạ, ngoài đồng tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu râm ran, chúng tôi nhìn nhau cười mãn nguyện,…Đêm lạnh Cao Sơn nhẹ nhàng, ấm áp trôi qua!

Người Thái Cao Sơn và những trò diễn văn nghệ độc đáo
Người Thái Cao Sơn và những trò diễn văn nghệ độc đáo.

Sắc màu Cao Sơn những ngày cuối năm

Cam, quýt đang là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái ở Cao Sơn. Sau nhiều năm trồng tập trung, lựa chọn giống phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cây có múi đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những ngày giáp tết âm lịch cũng là lúc cam quýt vào vụ, một mùa vàng đang trải khắp đất Cao Sơn, mọi người hối hả thu hoạch và mang đi chợ phố Đoàn. 

Anh Ngân Văn Thuất, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Son là người đầu tiên sang Cao Phong (Hòa Bình) mua giống cây cam về trồng. Anh cho biết, sau khi vợ chồng vay mượn tiền mua được giống, về bản lại không tìm được vị trí trồng thuận lợi, anh đành lên đồi. Chúng tôi theo chân vợ chồng anh vào đồi hái cam mới thấy được sự vất vả, kiên trì của họ. Đồi cam của gia đình nằm sau một ngọn núi cao, con đường hơn một cây số men theo các vách đá cheo leo. Lối đi rất nhỏ, dốc thẳng đứng lại được chắn ngang bởi những cục đá to tướng. Nhiều đoạn, chúng tôi phải dìu nhau lên chứ không dễ lăn xuống dốc như chơi. Vậy mà, ngày ngày hai vợ chồng anh Thuất cõng phân, đeo gùi lên đồi cam bằng con đường này. Vụ cam năm nay anh cùng những chủ vườn khác đã làm một con đường vòng chân núi để xe ô tô có thể vào tận nơi. Vất vả là vậy nhưng đó là niềm vui lớn của vợ chồng anh.

 “Ở đây trồng ngô chủ yếu cho lợn, gà, trồng rau thì phải chờ đến phiên chợ Phố Đoàn mới chở xuống bán. Nếu đúng đợt mưa rét triền miên không đi được thì rau hỏng hết. Nhưng trồng cam, có thương lái từ bên Hòa Bình vào tận vườn, tận đồi để thu mua” - Anh Ngân Văn Thuất vui mừng kể lại.

Ngoài phát triển kinh tế từ các vườn cây có múi, Cao Sơn còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng. Nơi đây được người nước ngoài khai thác du lịch từ khoảng năm 2006, khi bản chưa có điện, đường lên còn khó, cuộc sống người dân vất vả. Khách đến nơi đây chỉ có khách Tây, họ đi bộ vác balo lên núi khám phá cuộc sống hoang sơ của bà con. Trước đây người Pháp khi sang từng có ý định xây dựng Cao Sơn thành khu nghỉ mát. 

Cao Sơn đang là địa chỉ du lịch của những nhóm bạn trẻ ưa thích khám phá sau khi tận hưởng không khí sôi động ở bản Đôn (xã Thành Lâm), phố Đoàn (xã Lũng Niêm) họ lên với Cao Sơn để cảm nhận sự thay đổi về khí hậu, cuộc sống mộc mạc của đồng bào dân tộc Thái.

Ảnh minh họa

Cao Sơn lãng mạn, nên thơ được xem như Đà Lạt hay Sa Pa của xứ Thanh.

Nhằm phát triển du lịch cộng đồng, dưới sự định hướng của cấp uỷ đảng chính quyền, những năm gần đây nhiều gia đình, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hommetay,…

Gia đình chị Hà Thị Nhớ đã làm du lịch được hai năm nay và chính du lịch đã mang lại nguồn thu nhập chính cho vợ chồng chị. Chuyến công tác lần này chúng tôi được ăn, ngủ trong ngôi nhà sàn xinh đẹp và ấm cúng của gia đình chị. Chị Nhớ cho biết, ngôi nhà sàn vốn làm để gia đình ở, khi có khách du lịch, anh chị sắp xếp, trang trí, bổ sung thêm nhiều đồ vật, dụng cụ chứa đựng nhiều nét văn hoá của người Thái. Để phục vụ khách du lịch chồng chị Nhớ đã xuống tận trung tâm xã Lũng Cao để học nấu ăn. Được biết, đây là lớp học miễn phí do xã tổ chức nhằm phát triển du lịch địa phương.

Chị Hà Thị Nhớ bên ngọn đồi atiso mới được trồng
Chị Hà Thị Nhớ bên ngọn đồi atiso mới được trồng.

Chị Hà Thị Nhớ cho biết, du khách đến Cao Sơn, ở lại ban đêm được đốt lửa trại, nhảy sạp, uống rượu cần và hát những bài hát của dân tộc Thái, được bà con kể những câu chuyện lập làng lập bản, thuở khai sinh lập bản và chặng đường làm du lịch. Từ ngày gia đình có khách đến cư trú anh chồng chị không phải đi làm thuê tận Hà Nội, kinh tế gia đình đã khá giả hơn rất nhiều. Ngoài làm du lịch vợ chồng chị Hà Thị Nhớ cũng có đồi cam sắp được thu hoạch.

Vài năm trở lại đây, anh Lê Thế Ngân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sữa Thanh Hóa đã lên đầu tư trồng rau sạch và làm du lịch ở bản Son. Cũng chính anh là người đã hỗ trợ bà con xây dựng mô hình nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn. Đến nay, bà con đã canh tác được gần 3ha rau màu theo hướng hữu cơ, dự kiến sẽ mở rộng lên tới 10ha. Công ty CP sữa Thanh Hóa cũng đang triển khai hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm bằng việc xây dựng chuỗi cung ứng trực tiếp từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ.

Người nước ngoài rất thích đến Cao Sơn du lịch
Người nước ngoài rất thích đến Cao Sơn du lịch.

Tỉnh Thanh Hoá vừa phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đáng chú ý, đề án sẽ có chính sách hấp dẫn kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu Trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông kết nối khu du lịch Cao Sơn, tập trung đầu tư 3 điểm tham quan, du lịch tại quần thể Thông Pà Cò, khu du lịch Cao Sơn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông. Đề án được triển khai Cao Sơn sẽ trở thành trọng điểm du lịch xứ Thanh.

Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, mọi nẻo đường, khắp chân ruộng bậc thang ngập trong sắc hồng nhạt của đào phai 5 cánh, màu vàng tinh khôi của dã quỳ, đỏ thắm của hoa trạng nguyên, xanh bạt ngàn của các loại rau xứ lạnh, … Trong sương sớm, người Thái Cao Sơn đang tất bật chuẩn bị cho nồi bánh chưng của gia đình. Họ vui mừng đón một cái Tết ấm no, đủ đầy. Rời Cao Sơn, chúng tôi tin tưởng rằng với những tiềm năng lợi thế cùng Đề án mới ra đời khu biệt lập này sẽ là "địa chỉ đỏ" trong bản đồ lịch xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung.

Minh Hiền