Xây dựng kỳ hạn TPCP linh hoạt với mục tiêu huy động 350 nghìn tỷ đồng

16:02 14/03/2021

Nếu như năm 2020, KBNN đã huy động được hơn 333 nghìn tỷ đồng TPCP (bằng 98,2% kế hoạch đã đề ra) thì nhiệm vụ của năm 2021 còn nặng nề hơn với mục tiêu huy động 350 nghìn tỷ đồng.

Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Quốc hội đã phê duyệt tổng mức vay của ngân sách trung ương năm 2021 xấp xỉ 580.000 tỷ đồng. Nhiệm vụ vay của Chính phủ thông qua phát hành TPCP tại thị trường trong nước được Bộ Tài chính giao KBNN là 350.000 tỷ đồng.

Nếu như năm 2020, KBNN đã huy động được hơn 333 nghìn tỷ đồng TPCP (bằng 98,2% kế hoạch đã đề ra) thì nhiệm vụ của năm 2021 còn nặng nề hơn với mục tiêu huy động 350 nghìn tỷ đồng. Đối với công tác này, KBNN đã đề ra 3 mục tiêu trọng tâm.

Thứ nhất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành TPCP năm 2021, đáp ứng đầy đủ, phù hợp với kế hoạch trả nợ của ngân sách nhà nước và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ thông qua phát hành đa dạng kỳ hạn TPCP, hài hòa nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước giữa các năm, giảm rủi ro đảo nợ trong ngắn hạn của ngân sách nhà nước và phát triển thị trường TPCP. Thứ ba, gắn kết chặt chẽ quản lý nợ công, quản lý ngân sách nhà nước và quản lý ngân quỹ nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước. 

  Năm 2021 sẽ huy động 350 nghìn tỷ đồng TPCP.

Cũng theo KBNN, công tác phát hành TPCP của KBNN bên cạnh yêu cầu đáp ứng đủ nguồn vốn cho ngân sách nhà nước còn được yêu cầu gắn huy động vốn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo vốn vay được sử dụng không lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả quản lý nợ công. Bên cạnh đó, phát hành TPCP phải phù hợp với nhu cầu các nhà đầu tư trên thị trường, duy trì lượng hàng hóa cho thị trường giao dịch và hướng thị trường TPCP trở thành thị trường chuẩn, tham chiếu cho các thị trường vốn khác.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, KBNN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các biến động trên thị trường tài chính tiền tệ, điều hành khối lượng cung trái phiếu ra thị trường phù hợp với nhu cầu các nhà đầu tư, huy động đủ 350.000 tỷ đồng (bao gồm cả phát hành TPCP cho Bảo hiểm xã hội), duy trì thị trường trái phiếu đầy đủ hàng hóa, hoạt động thường xuyên, liên tục, là kênh huy động vốn hiệu quả của ngân sách nhà nước tại mọi thời điểm. Việc đấu thầu TPCP do KBNN phát hành sẽ tiếp tục được thực hiện hàng tuần qua Sở Giao dịch chứng khoán với thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch.

Thời gian tới, KBNN sẽ triển khai phát hành trái phiếu chuẩn để nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn theo quy định tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ để tăng cường thanh khoản cho thị trường TPCP.

Với mục tiêu tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ, KBNN đã thông báo kế hoạch phát hành TPCP năm 2021, trong đó sẽ phân bổ khối lượng đối với từng loại kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 5 năm phát hành khối lượng 20.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm phát hành 15.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm phát hành 120.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm phát hành 135.000 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm phát hành 30.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm phát hành 30.000 tỷ đồng.

B.N