Vĩnh Phúc: Thu ngân sách 5 tháng đầu năm tăng

10:30 02/06/2021

Mặc dù, do ảnh hưởng nghiêm trọng dịch Covid 19, tuy nhiên sản lượng sản xuất công nghiệp, doanh thu dịch vụ tháng 5 giảm, thu ngân sách 5 tháng đầu năm vẫn tăng 16% so với cùng kỳ.

Với phương châm vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, mục tiêu kép của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang cho thấy hiệu quả về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm vẫn đạt 14.770 tỷ đồng.  

Ảnh minh họa.

Mặc dù gặp phải không ít khó khăn, nhưng công tác an sinh xã hội vẫn được bảo đảm. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 5.280 lao động, ngoài ra đưa 20 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ cho 1.133 người theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; triển khai công tác bảo trợ xã hội cho 43,5 nghìn người đang hưởng trợ cấp xã hội. 

Tháng 5/2021, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đa số các sản phẩm công nghiệp sản xuất đạt thấp hơn so với tháng trước. Trong đó, sản lượng thức ăn gia súc giảm 0,15%; giày thể thao giảm 2,5%; xe ô tô giảm 7,37%; xe máy giảm 1,15%... 

Nếu như chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 24% so với cùng kỳ thì bước sang tháng 5, chỉ số này giảm 0,32% so với tháng 4. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5 cũng giảm 2%; ở chiều ngược lại, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp này tăng 4,5% so với tháng trước, tăng 86% so với cùng kỳ. 

Sản xuất nông nghiệp tháng 5 là mảng sáng với năng suất các cây trồng chủ yếu đều tăng so với vụ đông xuân 2020: Cây lúa tăng 2,3%, khoai lang tăng 2,9%,  ngô tăng 1,1%, rau các loại tăng 2,3%... Lĩnh vực chăn nuôi, mặc dù có sự xuất hiện một số ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò nhưng tình hình cơ bản đã được kiểm soát, chăn nuôi gia cầm phát triển. Ước tính tháng 5, sản lượng thịt trâu hơi tăng 3,9%, thịt bò tăng 4,3%, sữa bò tươi tăng 35,6%, thịt lợn hơi tăng 4,3%, thịt gia cầm hơi tăng 4,4%, trứng gia cầm tăng 7,4% so với tháng 5 năm 2020. Sản lượng nuôi trồng thủy sản và sản lượng gỗ khai thác trong tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 2%, sản lượng gỗ khai thác tăng 11,8%. 

Dịch vụ là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của đại dịch Covid-19. Do thực hiện biện pháp cách ly xã hội đối với một số địa phương, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu dịch vụ vận tải tháng 5 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước; trong 12 nhóm ngành hàng, chỉ có 4 nhóm ngành hàng có doanh thu tăng là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, còn lại các nhóm hàng khác đều giảm. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành giảm 42,2%; doanh thu vận tải giảm 41,7% so với tháng 4.

D.T