Vietcombank, VietinBank và BIDV công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với kết quả tích cực

17:14 10/01/2023

Tính chung bộ ba ngân hàng quốc doanh đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 kể trên, nhóm ngân hàng này đã thu về tổng cộng 79.835 tỷ đồng lãi trước thuế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Cả ba ngân hàng lớn đang niêm yết là Vietcombank, VietinBank và BIDV đã công bố kết quả tài chính năm 2022 trong tuần qua. Trong đó, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về lợi nhuận với mức tăng trưởng 39% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ so với năm 2021. Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của ngân hàng đạt 27.388 tỷ đồng, ước tính năm 2022 là gần 38.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong năm 2022, huy động vốn (HĐV) thị trường I đạt gần 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Tỷ trọng HĐV không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021; HĐV bán buôn tăng trưởng 10,4%; HĐV bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021.

Quy mô tín dụng của Vietcombank vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao. 

Ngân hàng đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (~465%). 

Các chỉ tiêu doanh số khác tăng trưởng ấn tượng như doanh số TTQT-TTTM đạt ~135 tỷ USD, tăng 31,8% so với 2021; doanh số mua bán ngoại tệ đạt ~73 tỷ USD, tăng 20,4% so với 2021; các chỉ tiêu doanh số thẻ, bảo hiểm, phát triển khách hàng bán buôn-bán lẻ đều đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng từ mức 37% đến 100%. 

Trong đó, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về lợi nhuận với mức tăng trưởng 39% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ so với năm 2021
Trong đó, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về lợi nhuận với mức tăng trưởng 39% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ so với năm 2021.

Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng bền vững và năng lực tài chính được củng cố. Cụ thể, thu nhập ngoài lãi tăng 9,2% so với năm 2021; thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021; NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%. 

Vietcombank tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên TTCKVN, lọt vào Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường năm 2022 theo Reuters.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2023 diễn ra mới đây, lãnh đạo Ngân hàng BIDV đã có báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2022 của ngân hàng mẹ BIDV cùng nhóm công ty con.

Cụ thể, lãnh đạo ngân hàng cho biết trong năm vừa qua, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm.

Theo đó, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của BIDV đã đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% so với cuối năm 2021 và là nhà băng đầu tiên có tổng tài sản vượt mốc 2 triệu tỷ. Với mức tài sản kể trên, BIDV tiếp tục là ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng trong nước.

Bên cạnh tăng trưởng ở quy mô tài sản, các chỉ tiêu tài chính huy động và cho vay của nhà băng này đều ghi nhận tăng trưởng cao trong năm 2022. Trong đó, tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng này ước đạt 1,95 triệu tỷ, tăng 21,1% so với năm liền trước. Trong đó, vốn huy động từ thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng tổ chức, dân cư) đạt 1,62 triệu tỷ, tăng 8,8% và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Ở chiều cho vay, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đến cuối năm 2022 của BIDV ước đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ, tăng 12,65%, nằm trong hạn mức (12,7%) mà NHNN giao và tiếp tục duy trì thị phần số một trong hoạt động cho vay (khoảng 12,5%).

Về chất lượng cho vay, lãnh đạo BIDV cho biết sau giai đoạn tái cơ cấu, hiện nợ xấu nội bảng của ngân hàng đã giảm đáng kể trong khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng chỉ vào khoảng 0,9% tổng dư nợ, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 245%. Điều này đồng nghĩa với số dư dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV đã đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng.

Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng mẹ năm vừa qua đã đạt 22.560 tỷ đồng, tăng tới gần 80% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 23.190 tỷ, cũng tăng hơn 70%.

Trong năm 2023, ban lãnh đạo BIDV dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12-13% theo chỉ tiêu được NHNN giao; huy động vốn điều hành phù hợp với nhu cầu cho vay, dự kiến ở mức 11% và kiểm soát nợ xấu dưới mức 1,4% tổng dư nợ.

Về phía VietinBank, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ VietinBank thu về năm vừa qua cũng là 20.500 tỷ, tăng 22%.

Tính chung bộ ba ngân hàng quốc doanh đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 kể trên, nhóm ngân hàng này đã thu về tổng cộng 79.835 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương gần 3,4 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại.

TH