VASEP đề xuất bỏ yêu cầu về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

16:38 05/06/2024

Theo VASEP, quy định công việc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe người lao động và cộng đồng là quá chung chung.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận được Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), sau khi nghiên cứu và tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội VASEP đã góp ý về quy định đối với việc sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (CCKNNQG) quy định tại Điều 84.

Cụ thể khoản 1 Điều 84 quy định: Người lao động làm công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khoẻ của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

VASEP đề xuất bỏ quy định này hoặc Dự thảo cần có quy định rõ các tiêu chí nào thì yêu cầu công việc đó cần có CCKNNQG, cũng như sớm có danh mục công việc này để lấy ý kiến góp ý cùng dự thảo Luật Việc làm trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

VASEP đề xuất bỏ yêu cầu về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
VASEP đề xuất bỏ yêu cầu về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

VASEP lý giải, quy định công việc phải có CCKNNQG là các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe người lao động và cộng đồng là quá chung chung, bởi vì bất kỳ công việc nào cũng có thể coi là ảnh hưởng đến yếu tố này. Với quy định chung chung như Dự thảo mà không có các căn cứ quy định khác, Chính phủ hoàn toàn có thể và có quyền đưa bất cứ công việc nào vào Danh mục bổ sung các công việc phải có CCKNNQG, tạo ra sự không dự đoán trong văn bản pháp quy, nhất là tại một văn bản pháp quy cấp cao có ảnh hưởng lớn như Văn bản Luật.

Theo VASEP, quy định này chưa phù hợp với Hiến pháp và Bộ luật Lao động 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Doanh nghiệp, tước đi quyền tự do lựa chọn việc làm, quyền duy trì việc làm khi đang làm việc tại DN và quyền tự chủ của DN trong tuyển dụng và sử dụng lao động.

Thực tế hiện nay, các DN đều thực hiện đào tạo người lao động đến khi đạt được trình độ theo yêu cầu của DN trước khi làm công việc liên quan, đồng thời có bộ phận giám sát kiểm tra trong quá trình làm việc nhằm đảm bảo an toàn và tuân thủ đúng theo quy định, hướng dẫn của DN và tuân theo Luật An toàn Thực phẩm, Luật An toàn Vệ sinh lao động, có kiểm tra định kỳ bởi cơ quan chức năng.

Chất lượng đào tạo tại các trường nghề chưa phù hợp với đặc thù sản xuất của DN, việc yêu cầu bắt buộc sử dụng lao động có CCKNNQG là chưa phù hợp với thực tế sản xuất tại các DN, gây lãng phí cho cả DN và toàn xã hội.

Cũng theo VASEP, việc quy định chung chung tất cả các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe người lao động và cộng đồng phải có CCKNNQG như Dự thảo sẽ có thể dẫn đến hàng triệu lao động của Việt Nam (đang có việc làm hoặc sẽ xin việc làm trong hầu hết các ngành nghề của xã hội) sẽ phải đi học và thi để được cấp CCKNNQG mới có thể tiếp tục đi làm, gây lãng phí chi phí và thời gian cho người lao động, đồng thời khiến sản xuất của hàng trăm ngành nghề đình đốn sản xuất khi thiếu có lao động.

Chỉ riêng tính trong ngành chế biến thủy sản (là ngành liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP)), số lượng công nhân phải xin cấp CCKNNQG đã lên tới gần 01 triệu lao động với gần 1.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, trong khi các công nhân này đều đã có Giấy Chứng nhận kiến thức đảm bảo ATTP (theo quy định của Luật ATTP và Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật ATTP). Việc quy định chung chung, thiếu tiêu chí cụ thể như Dự thảo sẽ khiến tất cả các công nhân 5 ngành thủy sản nói riêng, ngành chế biến thực phẩm nói chung (là ngành có ảnh hưởng tới An toàn thực phẩm liên quan tới sức khỏe cộng đồng) phải có thêm CCKNNQG trong khi Luật ATTP và các văn bản dưới luật hiện hành (quy định tất cả các vấn đề gây ảnh hưởng tới ATTP) đã có các quy định cụ thể để đảm bảo ATTP cho cộng đồng (trong đó có quy định về đào tạo và cấp Giấy Chứng nhận kiến thức đảm bảo ATTP cho người tham gia chế biến thực phẩm).

Linh Anh