Trung Nam Group với vị trí "hoa hậu" tại thị phần năng lượng tái tạo Việt Nam

22:56 04/11/2022

Trung Nam Group đang dẫn đầu Top 10 DN phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) lớn nhất theo công suất hiện tại, bao gồm tổng công suất của các nhà máy đang được xây dựng, số liệu tại báo cáo nghiên cứu của IEEFA, VNDirect Research tính đến tháng 06/2022.

Ảnh minh họa

Cụ thể, Trung Nam Group hiện đang dẫn đầu với 7% thị phần, Xuân Thiện Group chiếm 5,3%,  BCG chiếm 2,7%, TTC chiếm 2,1%, BIM chiếm Group 1,9%, TTA chiếm 1,9%, Xuân Cầu  Group chiếm 1,6%, T&T Group chiếm 1,2%, REE chiếm 1,1%, và ASM chiếm 1,0%.

Ngoài ra, tại Top 10 trang trại điện NLTT đang vận hành có công suất lớn nhất Việt Nam (MW), Trung Nam Group cũng là đơn vị duy nhất có cả 3 trang trại, gồm Điện gió Ea Nam và điện mặt trời Thuận Bắc, Thuận Nam. Các trang trại khác gồm có Ea Sup (Xuân Thịnh), Lộc Ninh (Super Energy), Dầu Tiếng 1&2 (BGRIM Power- Xuân Cầu), Ninh Hòa (ACEN - BIM GROUP), Hòa Hội (BGRIM POWER – TTA), Hồng Phong 1A&1B (VIETRACIMEX), An Hảo (Sao Mai An Giang).

 “Cây cao thì gió càng lay/ Càng cao danh vọng, càng dày gian nan”, theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, ông Nguyễn Tâm Tiến, hiện “Trung Nam như hoa hậu, và để giữ cương vị hoa hậu rất khó”. Điều này được chỉ rõ khi Tập đoàn Trung Nam đứng trước những tin đồn không tích cực liên quan đến khả năng thanh toán khoản trái phiếu của Tập đoàn tại VNDirect cũng như việc mua điện từ EVN.

Để phục vụ phát triển, thời gian qua nhóm các đơn vị thành viên của Trung Nam Group liên tục phát hành trái phiếu, huy động vốn. Theo thống kê, tổng huy động trái phiếu tính đến hiện tại gần 34.000 tỷ đồng, kể từ năm 2019. Riêng từ đầu năm 2022, Trung Nam Group đã trải qua 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động 3.230 tỷ đồng đã dấy lên những suy luận khi tập đoàn này mong muốn tiếp cận nguồn vốn ngoại trong bối cảnh lãi suất tăng.

Để giải lý cho những vấn đề đang được quan tâm, ngày 03/11/2022 tại TP.HCM, Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) đã tổ chức buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư, đối tác, tổ chức tài chính và báo giới nhằm chia sẻ về hoạt động kinh doanh cũng như tham vọng tiếp tục dẫn đầu ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Với chủ đề “ Triển vọng phát triển của ngành Năng lượng tái tạo sau Quy hoạch Điện 8”, buổi gặp gỡ đã đưa ra bức tranh tổng quan về thị trường năng lượng trong giai đoạn tiếp theo, những thuận lợi trong việc phát triển công nghệ sản xuất điện năng lượng tái tạo trên thế giới, những khó khăn sắp tới từ khía cạnh thiết bị, thi công, cũng như quy mô và khẩu vị thị trường vốn Việt Nam và thế giới đối với ngành này.

Ảnh minh họa
Trung Nam Group đang đứng trước 6.500 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023 sắp tới, hơn 3.500 tỷ đáo hạn vào năm 2024, 2.500 tỷ đáo hạn năm 2025 và từ năm 2026 đến 2035 là thời gian đáo hạn của số dư nợ còn lại.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền- Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu không thể thay đổi khi nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ước tính sẽ tăng trưởng kép hơn 8% trong giai đoạn 2022-30 (đơn vị: tỷ kWh) và 78% tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới sẽ loại bỏ các nhà cung ứng chậm chuyển đổi vào năm 2025. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đang dẫn đầu cuộc đua năng lượng tái tạo với 16GW điện mặt trời và khoảng 5GW điện gió.

Đặc biệt, năng lượng tái tạo đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tư nhân hoá ngành điện. Tính đến cuối năm 2021, các nhà máy điện độc lập chiếm 41,3% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống, từ mức chỉ 18,4% vào năm 2018, một năm trước khi làn sóng điện mặt trời đầu tiên được hình thành. Tỷ trọng sản lượng năng lượng tái tạo tặng mạnh từ mức 4-5% đầu năm 2020 đến 14 -15% trong 8 tháng đầu năm 2022.

Trong bối cảnh vĩ mô trên, bà Đỗ Tú Anh - Phó Tổng Giám đốc Trung Nam Group chia sẻ, Tập đoàn đã đưa ra những kế hoạch tiếp cận công nghệ, thiết bị, kiểm soát chi phí, đấu thầu, và giải pháp tài chính cụ thể nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực đầy tiềm năng, phù hợp với xu hướng toàn cầu cũng như cam kết phát thải ròng về 0 của Chính phủ tầm nhìn 2050. Mục tiêu tăng trưởng doanh thu bán điện của Trungnam Group từ mức 200 triệu USD năm 2021 lên tới 1 tỷ USD vào năm 2026, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) đạt khoảng 90%. 

Bà Đỗ Tú Anh, Phó Tổng giám đốc Trungnam Group chia sẻ hôm 3/10
Bà Đỗ Tú Anh, Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group chia sẻ hôm 3/10. 

Bên cạnh đó, với vai trò là doanh nghiệp tư nhân có công suất phát điện lớn nhất hiện tại với 1,61 GW phát lên lưới điện quốc gia, Trung Nam chia sẻ kỳ vọng của mình vào quy hoạch điện 8 sắp được Chính phủ thông qua, trong đó Tập đoàn có kế hoạch tham gia đấu thầu một loạt các dự án điện gió trên bờ và gần bờ tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Tâm Tiến – TGĐ Trung Nam Group cho biết: “Chúng tôi đã thành công nhờ sự chuẩn bị kỹ càng. Đó là thuận lợi rất lớn làm nền tảng, cơ sở cho chúng tôi tiếp tục triển khai các dự án tương lai. Ngày 01/11 vừa qua, chúng tôi đã ký Hợp tác chiến lược với Siemens Gamesa tại Hà Nội và làm việc thêm với các quỹ tín dụng của Đan Mạch, Đức như một sự chuẩn bị cho giai đoạn  tiếp theo”.

Ông Tiến cho biết, song song với mảng năng lượng, Trungnam Group cũng có nguồn thu nhất định đến từ các lĩnh vực trong hệ sinh thái của mình bao gồm Hạ tầng, Xây dựng, Công nghiệp điện tử, Bất động sản,... tất cả các lĩnh vực đang vận hành và bổ trợ cùng nhau phát triển, đảm bảo sự tăng trưởng chung của doanh nghiệp.

Thông qua các chỉ số tài chính tăng trưởng tích cực, chiến lược kinh doanh cụ thể, cùng với năng lực triển khai các dự án quy mô lớn, Trungnam Group hứa hẹn sẽ mở ra cánh cửa thành công của “Kỷ nguyên mới” đầy tiềm năng và triển vọng, củng cố vị thế nhà đầu tư năng lượng số 1 Việt Nam.

Mỹ Dung