TP.HCM: Hạn chế áp lực tăng giá rau, củ

09:28 02/07/2021

Trước tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, hàng trăm chợ truyền trên địa bàn TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động nên nhiều mặt hàng rau, củ ở một số chợ đã có biến động tăng giá.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, tại một số chợ dân sinh, các mặt hàng rau, củ, quả biến động tăng giá, còn các loại thực phẩm giá khá ổn định. Thịt vịt bán lẻ giá khoảng 90.000 đồng/kg, gà ta 100.000 đồng/kg, gà công nghiệp 55.000 đồng/kg, trứng gà từ 27.000 - 30.000 đồng/vỉ 10 trứng, trứng vịt 32.000 - 35.000 đồng/vỉ 10 trứng... Mức này bằng giá bán vào ngày thường. 

93/234 chợ truyền thống trên địa bàn TP phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, phòng chống dịch covid - 19
93/234 chợ truyền thống trên địa bàn TP phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, phòng chống dịch covid - 19. (Ảnh: PV)

Điều đáng nói là các mặt hàng rau củ không thấy khan hiếm, nhưng giá nhiều loại rau đang cao hơn từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so với vài ngày trước. Nguyên nhân do các chợ đầu mối như Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức đang tạm ngưng hoạt động để khử khuẩn, cách ly theo chỉ thị 10 nên lượng rau củ từ các tỉnh đổ về các chợ không đa dạng.  

Theo Sở Công thương, do tình hình dịch bệnh đang có xu hướng diễn biến phức tạp, đến nay đã có 93/234 chợ truyền thống trên địa bàn TP phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động trong tình hình vừa duy trì kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, theo Sở Công thương TP.HCM, nhờ có sự chuẩn bị từ trước, thực phẩm dự trữ tăng đến 500% trong giai đoạn phòng chống dịch nên nguồn hàng hiện nay vẫn dồi dào, giá cả ổn định, chỉ có phương thức đưa hàng tới người tiêu dùng gặp nhiều rào cản, khó khăn.

Trước tình hình này, Sở Công thương đang nhanh chóng triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tiểu thương và duy trì việc cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho số đông người dân có thu nhập trung bình và thấp được liên tục, xuyên suốt, không bị gián đoạn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng số lượng điểm bán giảm để găm hàng, trục lợi, tăng giá.

Với các khu vực chợ chưa thể khôi phục hoạt động trở lại, Sở Công thương yêu cầu lãnh đạo TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo, giao cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường trên địa bàn; liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa, chủ động thảo luận cách thức tổ chức, phương thức bán hàng, chuẩn bị nhân lực, bố trí điểm bán hàng lưu động hoặc triển khai thực hiện bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại địa phương được thông suốt.

Quang Đạo