Tỉnh Thanh Hóa lên kịch bản ứng phó tình huống xuất hiện 10.000 ca bệnh

13:12 01/09/2021

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch điều trị 4 cấp theo số lượng bệnh nhân, từ dưới 1.000 ca, 3.000 ca, 5.000 ca đến 10.000 ca bệnh.

 

Tỉnh Thanh Hóa tính đến phương án huy động sinh viên các trường Y trên địa bàn và các cán bộ, nhân viên Y tế đã nghỉ hưu, đủ điều kiện sức khỏe và sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19
Tỉnh Thanh Hóa tính đến phương án huy động sinh viên các trường Y trên địa bàn và các cán bộ, nhân viên Y tế đã nghỉ hưu, đủ điều kiện sức khỏe và sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

Chiều 30-8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị bàn phương án phòng, chống dịch trong tình hình mới và kế hoạch hoạt động của các Tiểu ban giúp việc của BCĐ.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, gần gần 2 năm qua, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực cố gắng rất cao, hoạt động rất tích cực, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, đã góp phần kiểm soát, kiềm chế dịch, bệnh trên địa bàn tỉnh. Qua 3 làn sóng COVID -19, Thanh Hóa đều là tỉnh có nguy cơ thấp, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trong làn sóng dịch lần thứ 4, đã có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước những diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh, tỉnh Thanh Hóa sớm tổ chức kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng làm Trưởng ban ( BCĐ gồm 44 người).

Tổ giúp việc gồm 6 người, do ông Nguyễn Bá Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế làm tổ trưởng... Cùng với đó, 5 tiểu ban cũng được thành lập để phụ trách các mảng nhiệm vụ cụ thể, gồm: Tiểu ban Huy động, xã hội hóa các nguồn lực; Tiểu ban An sinh xã hội, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; Tiểu ban An ninh - trật tự, quản lý công dân, truy vết và cách ly; Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin; Tiểu ban xét nghiệm, điều trị người bệnh, tiêm vắc - xin.

Thảo luận tại Hội nghị, ngành Y tế đã xây dựng tháp điều trị 3 tầng theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh nhân; xây dựng kế hoạch điều trị 4 cấp theo số lượng bệnh nhân, từ dưới 1.000 ca, 3.000 ca, 5.000 ca đến 10.000 ca bệnh.

Các đơn vị khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá chính xác điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên y tế, trang thiết bị kỹ thuật, vật tư hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm và điều trị. Từ đó chủ động chuẩn bị, bổ sung để đáp ứng trong mọi tình huống. Nghiên cứu thành lập bộ phận điều phối mẫu xét nghiệm để nhịp nhàng, hiệu quả, kịp thời hơn. Công tác huy động nguồn lực phải thiết thực, hiệu quả, tránh chồng chéo, đảm bảo công khai, minh bạch. Chủ động xây dựng phương án đảm bảo an sinh xã hội theo từng diễn biến, cấp độ của tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo phương châm “4 tại chỗ” là chủ yếu. 

Thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt khi có ca mắc trong cộng đồng
Thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt khi có ca mắc trong cộng đồng.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh, tình hình dịch, bệnh trong tỉnh đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, nguy hiểm và khó lường. Trong khi đó, điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, con người, vật tư thiết bị của tỉnh có hạn; trong tổ chức thực hiện có lúc, có việc còn lúng túng, chưa hiệu quả. Tình hình trên đặt ra yêu cầu các thành viên BCĐ phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, với phương châm “Thần tốc, mạnh mẽ, nghiêm ngặt các giải pháp và cương quyết, ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế tối đa số người nhiễm, phấn đấu không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn tỉnh”, tất cả vì mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của Nhân dân.

Tất cả các kịch bản, kế hoạch, biện pháp, nhiệm vụ phòng chống COVID-19 đã được tỉnh xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện từ khi dịch bệnh mới xuất hiện, nhưng trong tình hình mới, diễn biến mới, cần được điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hơn.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, mỗi người dân phải coi nhiệm vụ phòng, chống dịch trước hết là nhiệm vụ của mình, không ai được đứng ngoài cuộc. Ai không làm được đứng ra một bên. Cương quyết xử lý những trường hợp không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngành Y tế chủ trì rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, vật tư hóa chất cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Về cơ sở vật chất, ngoài các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19, phải bố trí cả các bệnh viện vừa điều trị bệnh nhân thông thường và bệnh nhân COVID-19, bố trí khu vực riêng, lối đi riêng, đội ngũ riêng để đảm bảo an toàn. Về đội ngũ, cần tính đến phương án huy động sinh viên các trường Y trên địa bàn và các cán bộ, nhân viên Y tế đã nghỉ hưu, đủ điều kiện sức khỏe và sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Về thiết bị, vật tư, hóa chất phải xác định rõ đang thiếu gì, cần bổ sung gì, nhất là những loại thiết yếu như ô xy, máy thở, giường bệnh, bộ test nhanh, xe vận chuyển bệnh nhân…

Tính từ ngày 27/4 đến ngày 31/8, tỉnh Thanh Hoá ghi nhận 308 ca bệnh dương tính cộng dồn; 206 bệnh nhân dương tính đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa. Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2 huyện (Nông Cống và Nga Sơn) đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Minh Hiền