Tỉnh Bình Dương: Đột phá từ hạ tầng giao thông đến liên kết vùng

15:07 18/07/2023

Với những dự án giao thông đã, đang dần hoàn thiện không chỉ thay đổi diện mạo đô thị của Bình Dương, khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn sớm thúc đẩy sự liên kết trong phát triển của vùng kinh tế Đông Nam Bộ.

Qua quá trình phát triển, Bình Dương bước đầu đã tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ
Qua quá trình phát triển, Bình Dương bước đầu đã tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ.

Diện mạo đô thị thay đổi

Bình Dương hiện là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, có 27 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000 ha. Bình Dương là “điểm đến” của nhà đầu tư trong và ngoài nước, số doanh nghiệp FDI đứng thứ 3 cả nước, mô hình VSIP đang nhân rộng ra nhiều địa phương. Với quan điểm hạ tầng giao thông đi trước mở đường cho sự đột phá, Bình Dương đã và đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng, khu vực. Đây cũng là một trong 4 chương trình đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 11 đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng đến 2030.

Qua quá trình phát triển, Bình Dương bước đầu đã tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ. Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh, như Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Điều đặc biệt là những tuyến đường này được hoàn thành thông qua quá trình huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp của các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, được hoàn thiện từ nguồn vốn doanh nghiệp, góp phần rất hiệu quả trong chia sẻ gánh nặng về ngân sách.

Cây cầu nối Bình Dương và Tây Ninh đã hoàn thành vào đầu năm 2023
Cây cầu nối Bình Dương và Tây Ninh đã hoàn thành vào đầu năm 2023.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có trên 7.421km đường giao thông, trong đó, có 3 tuyến quốc lộ gồm 1A, 1K và 13 dài 77km; 14 tuyến đường tỉnh với chiều dài 449km; các tuyến đường huyện và đường đô thị đã nhựa hóa đạt từ 80-94%. 

Để phát triển bền vững hơn, Bình Dương đã và đang tập trung nghiên cứu, đầu tư các trục giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh và của vùng, nhờ đó, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị sắp tới của tỉnh.

Năm 2023, tỉnh Bình Dương được giao số vốn đầu tư công là 21.817 tỉ đồng. Đây là số vốn đầu tư công được giao cao nhất từ trước đến nay. Được biết, phần lớn trong kế hoạch vốn năm 2023 được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh Bình Dương, lên tới 18.675 tỉ đồng. Con số này gấp 2,17 lần so với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công do tỉnh bố trí năm 2022.

Với số vốn đầu tư “khủng”, trong năm 2023, Bình Dương đã huy động nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng liên kết vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 (TP.HCM) đoạn qua Bình Dương; đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An, nút giao Sóng Thần,…

Bên cạnh đó, sẽ có thêm 99 dự án giao thông lớn được rót vốn trong năm mới với tổng kinh phí lên tới 12.819 tỉ đồng (58,8% tổng kế hoạch vốn năm 2023). Như vậy, trong năm 2023, Bình Dương sẽ phân bổ vốn cho 103 dự án giao thông hạ tầng trên tổng số 311 dự án đầu tư công.

Với những dự án giao thông đã, đang dần hoàn thiện không chỉ thay đổi diện mạo đô thị của Bình Dương, khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mà còn sớm thúc đẩy sự liên kết trong phát triển của vùng kinh tế Đông Nam Bộ.
Với những dự án giao thông đã, đang dần hoàn thiện không chỉ thay đổi diện mạo đô thị của Bình Dương, khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mà còn sớm thúc đẩy sự liên kết trong phát triển của vùng kinh tế Đông Nam Bộ.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, Bình Dương đang triển khai thực hiện tiếp Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên đường Mỹ Phước-Tân Vạn; hoàn thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng; nâng cấp các tuyến đường ĐT.746, ĐT.747B, ĐT.743. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên các tổ công tác, theo dõi chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, khởi công dự án liên vùng nghìn tỷ

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương liên tục đón nhận nhiều thông tin tích cực về hạ tầng. Ngày 18/6/2023, dự án đường Vành đai 3 TP. HCM đã chính thức khởi công. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Theo kế hoạch, Vành đai 3 TP. HCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, Vành đai 3 được đầu tư 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Giai đoạn phân kỳ, Vành đai 3 được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng.

Bình Dương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng
Bình Dương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng.

2 dự án đường cao tốc mới nối Bình Dương, TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ là cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Vành đai 4 vừa được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua. Ngày 15/6/2023, đoàn công tác của TP. HCM và Bình Dương đã cùng đi thực địa để khảo sát, thúc đẩy các dự án giao thông kết nối liên vùng, trong đó có cao tốc Vành đai 4 và đường dẫn cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại nút giao Sóng Thần - Phạm Văn Đồng.
Đường Vành đai 4 TP. HCM dài 199 km, trong đó đoạn qua địa bàn Bình Dương sẽ đi qua TX. Bến Cát và TP. Tân Uyên. Quy mô đường cao tốc, dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2026. Tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng.

Cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài khoảng 70 km, phấn đấu khởi công dự án vào đầu năm 2024. Địa điểm đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) gồm TP. Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng. Tổng vốn đầu tư dự kiến trên 16.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, Bình Dương sẽ thường xuyên rà soát, thống kê các dự án chậm tiến độ, dừng thi công, đội vốn, cần thiết cắt, giảm, giãn tiến độ để đánh giá hiệu quả đầu tư, tránh gây lãng phí. Đồng thời, kiên quyết cắt giảm các danh mục dự án đầu tư chưa cần thiết, phát huy hiệu quả không cao, không tạo ra dư địa phát triển, để tập trung vốn cho các dự án cần thiết, bức xúc, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế vùng và nội tỉnh…

Hoàng Thu