Thủ tướng: Ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi xanh

11:02 04/01/2024

Đánh giá nông nghiệp Việt Nam năm 2023 đã vượt cơn gió ngược, chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành cần ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi xanh.

Ảnh minh họa
Toàn cảnh Hội nghị

Chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành Nông nghiệp thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen... Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản (NLTS); chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết “Tam nông” và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Vì vậy, toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế (trong đó: Nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng).

Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.

Ngành nông nghiệp đã "vượt cơn gió ngược"

Phát biểu chỉ đạo hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đã đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Phát biểu chỉ đạo hội nghị

“Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp”, ông nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.

Thủ tướng phân tích: “Năm qua, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD, một phần do chúng ta giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp, nông dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào nội địa, góp phần bình ổn thị trường”.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ghi nhận đóng góp của ngành nông nghiệp đối với kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ – đây là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống”, Thủ tướng bàn về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000ha.

Năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người. “Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sản xuất lương thực thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát bởi dịch vụ ăn uống chiếm 33,56% trong “rổ” hàng hóa dịch vụ tính CPI. Các kết quả góp phần khắc phục giải quyết, đạt mục tiêu, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm của xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu ngành phải đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2024, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, coi đây là động lực mới, đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.

Nhân Hà (tổng hợp)