Thành phố Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 10 dự án trung tâm logistics

23:37 16/05/2023

Danh mục 10 dự án trung tâm logistics kêu gọi đầu tư trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích tính đến năm 2030 là 212 - 235 ha.

UBND TP Đà Nẵng vừa công bố danh mục dự án lĩnh vực logistics kêu gọi đầu tư giai đoạn đến năm 2030, nằm trong Đề án Phát triển dịch vụ logistics TP Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND thành phố phê duyệt ngày 15/5 vừa qua.

Cụ thể, danh mục 10 dự án trung tâm logistics kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng diện tích đến năm 2030 là 212 - 235 ha, đến năm 2050 là 358 - 390 ha. Trong đó, gồm 1 trung tâm logistics cấp vùng, 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không và 8 trung tâm logistics cấp tỉnh.

Trong đó, trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, hạng I, với quy mô 30 – 35ha vào năm 2030 và đến năm 2050 nâng lên thành 65 – 70ha.

Thành phố Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 10 dự án trung tâm logistics
Thành phố Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 10 dự án trung tâm logistics.

Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu sẽ là trung tâm logistics cảng biển với các dịch vụ cảng biển, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS…

Tiếp theo, trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô đến năm 2030 là 4 – 5ha, mở rộng nâng cấp lên 8 – 10ha đến năm 2050. Đây sẽ là trung tâm logistics chuyên dụng phục vụ dịch vụ logistics hàng không.

Còn lại 8 dự án trung tâm logistics cấp tỉnh, gồm: Dự án trung tâm logistics Ga hàng hóa Kim Liên quy mô 5 – 6ha vào năm 2030, 8 – 10ha vào năm 2050, là trung tâm logistics đường sắt, hỗ trợ logistics cảng biển với các dịch vụ hỗ trợ khu công nghiệp Hòa Khánh.

Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng có quy mô 3 - 5ha vào năm 2030 và mở rộng lên 15 - 20 ha vào năm 2050. Đây là trung tâm logistics đường bộ phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường sắt, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Trung tâm logistics Hòa Nhơn (kết hợp Cảng cạn) là trung tâm logistics đường bộ có quy mô 40 ha vào năm 2030 và đến năm 2050 mở rộng lên 75 ha. Trung tâm sẽ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ môi giới vận tải và dịch vụ logistics hàng hóa.

Trung tâm logistics Hòa Phước là trung tâm logistics và trung chuyển hàng hóa, tổng kho lạnh, kho mát, kho ngoại quan chợ đầu mối, được quy hoạch với quy mô 5 - 7 ha vào năm 2030 và mở rộng đến 10 - 15 ha vào năm 2050.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trung tâm logistics đường bộ Hòa Phú được quy hoạch với quy mô 3 - 5 ha vào năm 2030 và mở rộng đến 5 - 8 ha vào năm 2050. Đây sẽ là nơi cung cấp dịch vụ lưu trữ, vận tải hàng hóa, dịch vụ môi giới, thủ tục hải quan, đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây

Trung tâm logistics Hòa Ninh được quy hoạch với quy mô 20 ha đảm nhận cung cấp các dịch vụ hỗ trợ Khu công nghiệp Hòa Ninh.

Trung tâm logistics Hòa Hiệp Bắc có quy mô 42 ha được quy hoạch là trung tâm logistics hỗ trợ khu bến cảng Liên Chiểu, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ cảng biển.

Dự án trung tâm logistics và kho bãi khác (trên các đường tránh của tuyến cao tốc, tại các khu, cụm công nghiệp…) với quy mô 60 – 70ha đến năm 2030 và mở rộng ra 110 – 120ha đến năm 2050, các trung tâm này sẽ hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung, thu gom và phân phối hàng hóa cho TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận với các dịch vụ logistics đô thị và dịch vụ logistics khác.

Nói về tình hình tổng quát, số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%.

Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,5%, Malaysia 13% và Thái Lan là 15,5%. Đề cập đến nguyên nhân khiến chi phí logistics khó giảm giá trong thời gian qua, Trưởng ban Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại (VLA) Trần Việt Huy cho biết, chi phí logistics của Việt Nam tăng cao là do các tuyến hàng container đều nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước lấy được một phần nhỏ thị phần này thì giá sẽ giảm. 

Giải thích về sự lép vế của doanh nghiệp logistics Việt Nam trước doanh nghiệp nước ngoài, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ, hiện công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan đến logistics chưa có sự kết nối chặt chẽ. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực, đồng thời nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn không đáp ứng được yêu cầu.

Thực tế cho thấy việc chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị hàng xuất khẩu khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận hòa vốn, thậm chí bị lỗ để xuất khẩu hàng hóa nhằm duy trì mối quan hệ làm ăn với khách hàng.

P.V (t/h)