Thanh Hóa: Sự cần thiết của Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025. Bài 1: “Quả ngọt” từ tinh thần đổi mới vì sự phát triển của doanh nghiệp

21:49 09/11/2021

Nghị quyết 35 của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện nội dung cam kết hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35. Ngay sau đó kế hoạch hành động vì sự phát triển của doanh nghiệp Thanh Hóa nhanh chóng ra đời. Đây được xem như một luồng gió mới tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh phát triển toàn diện và bền vững.

 

Thanh Hóa  là tỉnh đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội

 Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách.

Hành động quyết liệt vì sự phát triển của doanh nghiệp 

Nội dung trọng tâm trong bản Kế hoạch hành động vì doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh. Xuất phát từ quan điểm, coi việc hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu, doanh nghiệp có thành công thì Thanh Hóa mới phát triển, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt tới các địa phương và thu được kết quả đáng ghi nhận.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa có 14.725 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 118,6 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 8 tỷ đồng/1 doanh nghiệp, gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và 5,2 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011 - 2015. Hết năm 2020, tỉnh có 26.437 doanh nghiệp đăng ký; trong đó, có 17.285 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng trên 9.500 doanh nghiệp so với năm 2015. Giai đoạn này khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 53,4% GRDP của tỉnh.

Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá 123 thủ tục hành chính; rà soát 351 văn bản, trong đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 114 văn bản pháp luật. Năm 2020, các đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện cắt giảm bình quân từ 30-50% thời hạn giải quyết thủ tục hành chính. Tỉnh cũng đã tổ chức 776 lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân cho 75.964 lượt học viên.

Đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư. Đây là tỉnh đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội. Tại Hội nghị đã có 19 dự án được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 56,8 nghìn tỷ đồng; đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 15 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 285 nghìn tỷ đồng. Qua đó, các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, dự án thu hút đầu tư, các quy hoạch và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh được thông tin rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư kinh doanh tại Thanh  Hóa.

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Thanh Hóa từ năm 2016 liên tục tăng. Ở khu vực Duyên hải miền trung, Thanh Hóa xếp thứ 6/12 tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đình Hiệu giám đốc VCCI Thanh Hóa chia sẻ, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên (sau thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp sau khi Nghị quyết 35 của Chính phủ ra đời. Thành quả lớn nhất và dễ dàng nhận thấy của sự phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 là số lượng doanh nghiệp mới tăng rất nhanh. Từ năm 2017, mỗi năm tăng thêm ít nhất 3000 doanh nghiệp.

Sự đổi mới và những hiệu quả tích cực từ các buổi tiếp doanh nghiệp của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã mang lại lợi ích thiết thực và niềm tin vào chính quyền cho những người làm doanh nghiệp. Bắt đầu từ tháng 4 năm 2017 vào ngày 21 hàng tháng Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và giải đáp những khó khăn, thắc mắc cho doanh nghiệp. Tại Hội nghị này có nhiều vấn đề tồn tại lâu năm của doanh nghiệp được giải quyết ngay bởi ở đó có sự hiện diện, lắng nghe của đại diện các sở, ban, ngành có liên quan. Cũng có những vấn đề không giải quyết được là do cơ chế, chính sách, vượt tầm của tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã có kiến nghị ngay với Chính phủ, khiến doanh nghiệp rất yên tâm và tin tưởng.

Ông Hiệu nhấn mạnh: “Những đổi mới và sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua đã làm thay đổi tư duy và tác động mạnh mẽ đến cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Khi chính quyền lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, coi doanh nghiệp là sương sống của nền kinh tế thì vai trò của họ được nâng lên tầm cao mới. Cũng nhờ đó mà bản thân những người làm doanh nghiệp phải nỗ lực, tìm tòi học tập, nâng cao trình độ, văn hóa và pháp luật doanh nghiệp. Họ nhận thức rất rõ, nếu không tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì không có cơ hội phát triển, doanh nghiệp Thanh Hóa đã và đang có sự chuẩn bị tốt cho việc hội nhập kinh tế quốc tế”.

Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa (Cụm CN Trung Hạ, Quan Sơn) đi vào hoạt động ổn định khi chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi từ khâu thủ tục hành chính đến việc bàn giao mặt bằng sạch
Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa (Cụm CN Trung Hạ, Quan Sơn) đi vào hoạt động ổn định khi chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi từ khâu thủ tục hành chính đến việc bàn giao mặt bằng sạch.

Luồng gió mới cho doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, huyện miền núi Quan Sơn một mặt quan tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại chỗ, một mặt tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển từ nguồn lực sẵn có. Nhờ đó tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Bá Chiến, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Sơn cho biết: “Suốt những năm qua huyện Quan Sơn đã khuyến khích phát triển hệ thống thương mại đa loại hình, xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị dọc tuyến quốc lộ 217 như khu km 22 xã Trung Tiến, km 61 xã Sơn Điện, các điểm chợ NTM,… nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, huyện đã thu hút đầu tư xây dựng 3 bậc thang thủy điện trên tuyến sông Lò, nhà máy nước sạch tại thị trấn, các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khu thương mại dịch vụ hạ tầng phụ trợ Cửa khẩu Quốc Tế Na Mèo gắn với phát triển thương mại dịch vụ”.

Có thể nói nhờ vào cách chính sách đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, của tỉnh mọi thủ tục hành chính, chính sách được mở cửa, thông thoáng nên đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đến Quan Sơn để xây dựng. Một số lĩnh vực thu hút đầu tư lớn như: Thủy điện bậc thang Trung Xuân, nhà máy chế biến nguyên liệu Ngọc Sơn – Trung Hạ, Khu thương mại cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, …

Đại diện Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa (Cụm CN Trung Hạ, Quan Sơn), ông Nguyễn Xuân Hòa – PGĐ cho biết: “Từ Hà Nội tham gia đầu tư ở Quan Sơn chúng tôi đã được huyện làm về thủ tục giấy tờ nhanh gọn, có ngay mặt bằng sạch. Các đồng chí lãnh đạo huyện, phòng kinh tế hạ tầng, phòng tài nguyên môi trường rất nhiệt tình giúp đỡ cũng như giới thiệu về nguồn nguyên liệu của địa phương. Công ty chúng tôi chuyên về thủ công mỹ nghệ mà Quan Sơn lại là vùng đất của cây vầu, cây luồng, là cơ hội để chúng tôi xây dựng vùng thu mua nguyên liệu trên diện rộng. Chúng tôi vào đầu tư năm 2019 với khoảng hơn 3 ha. Đến nay đi vào hoạt động đã được hơn 1 năm và đang dần đi vào ổn định. Hiện công ty tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động địa phương với khoảng 6 triệu đồng tiền lương/tháng. Sau này, chúng tôi sẽ mở rộng thêm phương án trồng rừng”.

Thọ Xuân là địa phương có nhiều điểm sáng trong phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Điểm nổi bật nhất là huyện đã xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng. Địa phương này cũng chi 1.631.662.000 đồng cho 285 doanh nghiệp thành lập mới.

 Từ đề án phát triển doanh nghiệp, huyện Thọ Xuân hỗ trợ 67.600.000 đồng cho Công ty Á Mỹ đào tạo lao động cho dự án nhà máy gạch công nghệ cao, phát thải thấp Á Mỹ; hỗ trợ đường điện vào khu nông nghiệp CNC Tây Hồ 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ đường điện vào Nhà máy may Tùng Phương tại Xuân phú 1,9 tỷ đồng, …

Năm 2019 từ hộ kinh doanh cá thể bà Lê Thị Vân, huyện Thọ Xuân đã thành lập doanh nghiệp. Đến nay công ty phát triển ổn định và liên tục được mở rộng
Năm 2019 từ hộ kinh doanh cá thể bà Lê Thị Vân, huyện Thọ Xuân đã thành lập doanh nghiệp. Đến nay công ty phát triển ổn định và liên tục được mở rộng.

Hưởng ứng tinh thần Quốc gia khởi nghiệp, với mong muốn xây dựng sự nghiệp cho riêng mình, được sự động viên, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương, năm 2019 từ hộ kinh doanh cá thểbà Lê Thị Vân, khu phố 1, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân đã thành lập Công ty TNHH Thương Mại- Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Rich Farm. Công ty chuyên thi công, lắp đặt nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới và cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Farm sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Trò chuyện với PV, Bà Lê Thị Vân vui mừng nói: “Trong quá trình thành lập doanh nghiệp, bản thân tôi đã được huyện hỗ trợ thủ tục hồ sơ, thuế môn bài trong 2 năm đầu, được giới thiệu tham gia các lớp khởi sự doanh nghiệp, tư vấn doanh nghiệp, lớp bồi dưỡng công tác quản lý,…  Bước ra từ thành công của cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, tôi thật sự biết ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cảm ơn những cơ chế chính sách, đặc biệt là tổ chức Đoàn đã có nhiều sân chơi, hoạt động ý nghĩa cho tôi có cơ hội được rèn luyện, sáng tạo, trưởng thành và chạm tới những ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ”.

Cùng với những đóng góp quan trọng về kinh tế, trong những năm qua các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò chủ lực, tiên phong cùng với toàn tỉnh giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp đã đứng ra gánh vác trọng trách cùng quê hương đất nước vượt qua đại nạn, xứng đáng là người lính thời bình trên mọi mặt trận. Năm 2020 là một năm mà tỉnh Thanh Hóa làm được nhiều nhất cho người nghèo, việc làm đó chủ yếu từ các doanh nghiệp, doanh nhân. Thành quả này nhờ vào sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt từ Chính phủ đến những người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa.

Minh Hiền