Thanh Hóa: Phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng chống dịch

17:05 21/08/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh CoVid- 19 đang diễn ra tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Thanh Hóa đã triển khai những nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch, đồng thời tiếp tục thực hiện các chương trình vận động ủng hộ bà con địa phương và đồng bào trong tâm dịch, kêu gọi bà con tiếp tục thực hiện ai đang ở đâu ở yên ở đấy.

Đánh giá tình hình dịch bệnh CoVid - 19 trong tỉnh tính từ tháng 4/2021, Thanh Hóa đã ghi nhận 184 ca dương tính với Covid -19 ở 22/27 huyện, thị xã thành phố. 154 khu cách ly sẵn sàng hoạt động với khả năng thu dung 16.301 người; tổng số cách ly tập trung cộng dồn là 14.114 người, hiện đang cách ly 7.002 người. tổng số cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 74.547 người.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khó lường, nguy cơ xâm nhập và lây lan ra cộng đồng là rất cao. Vì thế, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Thanh Hóa đã đã triển khai quyết liệt, toàn diện và mạnh mẽ các biện pháp để khống chế dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường. 

ban chỉ đạo phòng chống dịch của Tỉnh Thanh Hóa trong một lần kiểm tra khu vực bị phong tỏa
ban chỉ đạo phòng chống dịch của Tỉnh Thanh Hóa trong một lần kiểm tra khu vực bị phong tỏa. Ảnh (LN)

Phát biểu tại tại hội nghị triển khai các kế hoạch cấp bách phòng chống dịch CoVid - 19 Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Hiện nay, dịch Covid-19 với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới đang bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều quốc gia, nhiều địa phương trong nước, diễn biến khó lường. Đặc biệt, dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng, nhất là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, thủ đô Hà Nội

Nhằm chia sẻ những khó khăn, đồng hành cùng công dân trong tỉnh và đồng bào đang ở trong vùng dịch, thực hiện giãn cách xã hội, Thanh Hóa đã kêu gọi người dân bình tĩnh, ai ở đâu ở yên ở đấy. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động quyên góp, hỗ trợ bà con và đồng bào miền Nam. Với tinh thần tương thân tương ái, Cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hưởng ứng, tham gia ủng hộ bằng tiền, hiện vật với số tiền 20 tỷ đồng và 2.300 tấn hàng hóa để tiếp thêm sức mạnh hỗ trợ nhân dân các tỉnh, thành phố có dịch vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.

Đã có 776 tập thể, cá nhân ủng hộ, với tổng số tiền và hàng trị giá hơn 68 tỷ 568 triệu đồng, trong đó có nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu và dụng cụ y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Thanh Hóa cũng đã chi hỗ trợ 51 tỷ 535 triệu đồng Hỗ trợ các tỉnh phòng chống, vượt qua đại dịch. Cụ thể: Hỗ trợ các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Dương, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Hỗ trợ 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, mỗi thành phố 2 tỷ đồng. Chuyển kinh phí cho Ban Chỉ đạo tỉnh: 35 tỷ đồng; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong tỉnh: 360 triệu đồng; hỗ trợ viên chức y tế tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh 1 tỷ 90 triệu đồng (2 đợt), chuyển cho Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hỗ trợ bà con đồng hương 5 tỷ đồng.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn, không bùng phát dịch trong cộng đồng, Thanh Hóa thực hiện việc đi từng nhà, thăm hỏi, động viên người dân vận động con em mình đang ở các địa phương khác ở yên tại chỗ. Trong trường hợp gặp khó khăn thì liên hệ với các đầu mối là các trung tâm hỗ trợ, đường dây nóng chính quyền sở tại, qua Hội đồng hương để được hỗ trợ…

Để đồng hành cùng bà con Thanh Hóa và đồng bào đang ở trong vùng dịch yên tâm vượt qua khó khăn, những cuộc phát động được các tổ chức chính trị, xã hội Thanh Hóa phát động sâu rộng đến từng tổ chức, cá nhân, nhằm phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, đùm bọc của dân tộc. Đó là cuộc phát động ủng hộ đồng bào miền Nam của MTTQ tỉnh Thanh Hóa, là chiến dịch "kết nối cộng đồng- vượt qua thách thức" của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Qua đó, gạo, mì, rau củ và các nhu yếu phẩm cần thiết đã được quyên góp và chuyển đến tay bà con trong tâm dịch.

Hiện tại, diễn biến của dịch bệnh vẫn vô cùng phức tạp khi mỗi ngày nước ta đều xác lập một kỷ lục về số ca nhiễm mới được ghi nhận, các chùm ca bệnh trong cộng đồng liên tục được phát hiện với những biến chủng mới nguy hiểm, khẳng định cuộc chiến chống CoVid-19 còn nhiều cam go ở phía trước.

Để tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch Covid -19, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương trong tỉnh phải triển khai thực hiện tốt phương châm “2 chống, 3 xây” gồm, thứ nhất là chống chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn; thứ hai là chống dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào cộng đồng; 3 xây gồm, thứ nhất xây dựng kế hoạch cho tình huống xấu hơn để không bị động trong công tác phòng, chống dịch; thứ hai là xây dựng kế hoạch để không khủng hoảng về an sinh xã hội; thứ ba là xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân phải chủ động thích ứng với những biến đổi về dịch, bệnh trong tình hình mới.

Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh: Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 phải phát huy sức mạnh toàn dân, phải lấy dân làm gốc, lấy gia đình làm trung tâm. Sự tham gia của người dân có ý nghĩa quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài vững chắc trong chống dịch, nhất là các bệnh viện phải bảo vệ thật vững chắc, không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhập.

Ngọc Lâm