Thanh Hóa: Thêm nhiều doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập

11:03 24/08/2022

Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa có thêm 78 doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lên 924 doanh nghiệp.

Với nhiều chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Theo só liệu thống kê, tính đến hết tháng 7/2022, tỉnh thu hút thêm 78 doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lên 924 doanh nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, thời gian gần đây đã có thêm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập hoạt động ổn định và phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản. Đồng thời tích cực tuyên truyền đến các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các đơn vị đăng ký tham gia vào mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giúp các doanh nghiệp có được sự hỗ trợ tốt nhất về các mặt. 

Một doanh nghiệp mới thành lập, trông dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản
Một doanh nghiệp mới thành lập, trông dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản. (Ảnh: minh hoạ)

Cũng trong thời gian nửa đầu năm 2022, Thanh Hóa cũng kêu gọi, thu hút được 9 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký là 702,7 tỷ đồng.

Trong lộ trình sắp tới, tỉnh Thanh Hóa xác định doanh nghiệp có vai trò quyết định đối với tăng trưởng. Vì thế, ngoài việc áp dụng, triển khai các cơ chế, chính sách do Chính phủ ban hành, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục nghiên cứu, xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với định hướng phát triển và khả năng tiếp cận của DN, tạo động lực cho DN phát triển.

Được trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục xem xét, cho ý kiến vào 7 cơ chế chính sách hỗ trợ DN, đó là: Chính sách là hỗ trợ kinh phí đào tạo khởi sự kinh doanh; chính sách hỗ trợ kinh phí chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN; hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số; hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm DN trên nền tảng số; hỗ trợ chuyển đổi số và công nghệ số; chính sách hỗ trợ DN tham gia chuỗi giá trị và hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho DN xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp mới được thành lập trên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận môi trường kinh doanh hội nhập trên nền tảng công nghệ số.

Ngọc Lâm